Y tế - Sức khỏe
Áp lực, stress vì béo phì
D.Ngân - 30/05/2023 18:50
Chỉ cao 1,53m nhưng nặng tới 100kg, cô gái trẻ đang trong tình trạng căng thẳng, stress và đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay cơ sở vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.D, 31 tuổi, cao 1,53m nhưng nặng tới 100 kg. Với thân hình “quá khổ” D., luôn có cảm giác mặc cảm, tự ti, căng thẳng, lo âu và thường xuyên mất ngủ, rất dễ cáu gắt.

Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân béo phì.

Bệnh nhân cho biết từ nhỏ cô đã mũm mĩm hơn các bạn cùng trang lứa, đến tuổi dậy thì cô càng không thể kiểm soát được cân nặng của mình. 

Thân hình béo phì khiến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của D. gặp nhiều khó khăn nên D. đã tìm tới nhiều biện pháp giảm cân như luyện tập, ăn kiêng nhưng không hiệu quả. Với chỉ số BMI 43, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức các bác sĩ chẩn đoán cô bị béo phì độ 3. 

Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, N.T.D là một trong gần 300 trường hợp béo phì tìm đến các bác sĩ Việt Đức khi không thể kiểm soát được cân nặng, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái tự ti, trầm cảm vì thừa cân, béo phì. 

Bệnh nhân D.đến bệnh viện khi béo phì đã ở độ 3, tiểu đường cao (định lượng glucose 9,68 mmol/L), kèm theo bệnh lý đái tháo đường, kinh nguyệt rối loạn. 

Với sự tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhân D. đã lựa chọn phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng để giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể. Phẫu thuật điều trị béo phì đang được xem là phương pháp khá bền vững.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên thực hiện, đến nay đã phẫu thuật được gần 300 ca, ca nhỏ tuổi nhất là cô gái 16 tuổi, lớn nhất là 63 tuổi. 

Được biết, theo phân loại với người châu Á, một người có thể trọng bình thường (không phải người mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23.  

Nếu có BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân, tiền béo phì; BMI từ 25 đến 30 được xem là béo phì độ 1; từ 30-35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010), lên 19% (năm 2020).

Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Để hạn chế hệ luỵ do béo phì gây ra các bác sĩ khuyến cáo, do đây là bệnh lý mãn tính nên cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…

Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.

Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam, theo các bác sĩ là do đời sống của người dân Việt tăng lên hơn trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn người Việt.

Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khoẻ như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt... những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, béo phì là căn bệnh thời hiện đại ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, vô sinh, ung thư…

Điều trị các bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: Dinh dưỡng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc giảm cân, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý. Với những bệnh nhân trẻ tuổi cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.

Tin liên quan
Tin khác