Sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm tại Apple đã có bước tiến triển lớn và trong năm 2020, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã nhận được sự tán thưởng lớn nhất từ Phố Wall và các nhà đầu tư. Ảnh: AFP |
Ông Dan Ives, Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia phân tích vốn cao cấp tại Công ty quản lý tài sản Wedbush đưa ra nhận định này, bất luận cổ phiếu Apple đã giảm khoảng 5% tính từ đầu năm đến nay.
Apple hiện là công ty đắt giá nhất thế giới với vốn hóa thị trường đạt khoảng 2.100 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Apple đã vượt mốc 1.000 tỷ USD đầu tiên vào năm 2018 và chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD vào 2 năm sau đó. Các nhà phân tích, bao gồm cả ông Dan Ives trước đó từng đề cập nhiều đến lộ trình Apple sẽ đạt mức vốn hóa thị trường kỷ lục 3.000 tỷ USD.
"Chúng tôi nghĩ (mức vốn hóa kỷ lục) sẽ đạt được trong khoảng từ 12 - 18 tháng kể từ bây giờ", ông Ives bình luận trên đài CNBC.
"Nếu bạn nhìn vào sự đổi mới sáng tạo, nếu bạn nhìn vào vòng tuần hoàn (supercycle) đang diễn ra trong hoạt động kinh doanh dịch vụ hiện nay, tôi tin rằng, đây là một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo", ông Ives đánh giá, đồng thời cho rằng supercycle sẽ là bằng chứng xóa bỏ những hoài nghi rằng Apple vẫn đang tập trung vào đổi mới sáng tạo.
Supercycle có thể hiểu đơn giản là một vòng tuần hoàn, trong đó sẽ có một điểm nút và điểm nút đó chính là thời điểm nhu cầu thay thế sản phẩm (mua sản phẩm mới) của người dùng tăng lên cao nhất - điều này có thể giúp lợi nhuận Apple tăng vọt. Đối với iPhone, Apple ghi nhận Supercycle vào năm 2017 khi iPhone 8 được ra mắt.
Vào cuối tháng 4/2021, ông Ives dự báo giá cổ phiếu Apple tăng từ 175 USD/cổ phiếu lên 185 USD, đồng thời tiếp tục đánh giá xếp hạng tốt hơn đối với cổ phiếu của "Nhà táo khuyết". Cổ phiếu Apple đóng cửa ngày giao dịch 7/5 ở mức 125,90 USD/cổ phiếu.
Apple từng được coi là một công ty phần cứng trong nhiều năm trong khi CEO Tim Cook luôn nhấn mạnh rằng hệ điều hành iOS của Apple có một hệ sinh thái dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở hơn một tỷ người dùng và đây là cấu phần quan trọng làm nên tương lai của Nhà táo khuyết.
Sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm tại Apple đã có tiến triển lớn và trong năm 2020, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã nhận được sự tán thưởng lớn nhất từ Phố Wall và các nhà đầu tư.
Ông Ives cho biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm của Apple hiện đạt khoảng 1.000 nghìn tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên khoảng 1.500 tỷ USD và đưa giá trị vốn hóa thị trường của Apple lên 3.000 tỷ USD. Chuyên gia này đánh giá, Apple đang đặt nền móng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo mà trong đó phần mềm và dịch vụ đóng vai trò quan trọng.
Tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) thường niên diễn ra hôm 7/6, Apple đã giới thiệu một loạt các bản cập nhật mới cho các sản phẩm chính, bao gồm iOS 15 - phiên bản mới nhất của hệ điều hành iPhone. Trong khi đó, Apple cũng dự kiến trình làng mẫu iPhone mới vào cuối năm nay, còn dự án Apple Car cũng đang được thúc tiến độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một số rủi ro tiềm ẩn có thể cản trở Apple trên con đường đến ngưỡng vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD. Ông Ives đơn cử, các rủi ro đó bao gồm một cuộc chiến tại tòa án với Epic Games - nhà sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite - mà CEO Tim Cook đã đối mặt với những câu hỏi gắt từ thẩm phán vào tháng trước.
Năm ngoái, Apple đã gỡ bỏ Fortnite khỏi nền tảng ứng dụng App Store của mình với lý do rằng trò chơi này đã vi phạm các nguyên tắc đối với nền tảng phân phối phần mềm của họ. Epic Games đã phản ứng lại bằng cách lập tức đệ đơn kiện chỉ vài giờ sau động thái của Apple, cáo buộc hãng công nghệ Mỹ có hành vi chống cạnh tranh.
Sau đó, Apple đã phản tố và yêu cầu Epic Games bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Trên thực tế, không riêng gì Apple, các hoạt động điều tra pháp lý trên thế giới nhằm vào các đế chế công nghệ ngày càng gia tăng. Tháng 4/2021, Ủy ban châu Âu khẳng định Apple đã "lạm dụng vị trí thống trị của mình" trong việc phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua nền tảng ứng dụng App Store của mình.