Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC |
Chỉ số S&P/ASX 200 trên thị trường Australia đóng cửa giảm nhẹ còn 6.573,40 điểm, với chỉ số chuyên biệt tài chính trượt 0,14%.
Việc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Úc giữ nguyên lãi suất tiền mặt ở mức thấp 1% là cần thiết để Australia tiếp tục giảm tỉ lệ thất nghiệp và thực hiện mục tiêu lạm phát, Thống đốc Philip Lowe nói.
Trước đó, RBA đã thực hiện cắt giảm lãi suất trong tháng 6 và tháng 7.
Bình luận sau động thái của RBA, ông Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Quỹ quản lý đầu tư AMP Capital nhận định, RBA vẫn trông đợi các yếu tố có thể “kích thích” tăng trưởng, đơn cử như việc Chính phủ liên bang cắt giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình và thấp.
Theo Cơ quan thống kê Australia, doanh số bán lẻ của nước này sụt giảm trong tháng 7, dù nhiều biện pháp kích cầu như giảm thuế thu nhập và cắt giảm lãi suất đã được triển khai. Doanh số bán lẻ Australia trong tháng 7 giảm 0,1% so với tháng trước, trái ngược với mức tăng 0,2% theo kết quả thăm dò trước đó của Reuters.
Đồng đô la Australia kịp hồi từ mức 1 AUD “ăn” 0,6686 USD để đóng cửa giao dịch ở mức 1 AUD đổi 0,6718 USD.
Trong khi đó, sắc xanh bao phủ chứng khoán Trung Quốc đại lục với các chỉ số ghi nhận tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite nhích 0,21% lên 2.930,15 điểm, còn chỉ số Shenzhen Composite đứng ở mức 1.625,56 điểm, tăng 0,658%.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,39% ở cuối phiên.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi ngang và chốt phiên ở mức 20.625,16, trong khi chỉ số Topix đóng phiên tăng 0,37% lên 1.510,79 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,18% và khép lại ngày giao dịch ở mức 1.965,69.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,71%.
Giới đầu tư chưa thể “thở phào” trước những diễn biến gần đây của thương chiến Mỹ - Trung, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ lạc quan về việc đàm phán thặng dư thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp hoặc gây áp lực để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ thì khó có thể giải quyết nhanh chóng.
Hiện chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẵn sàng phá vỡ bế tắc và nhượng bộ trong đàm phán.
Cuối tuần trước, Mỹ đã kích hoạt thu thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế bổ sung từ 5-10% lên hàng hóa Mỹ, đáng nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa dầu thô Mỹ vào diện chịu thuế.
Trung Quốc đang có bước đi thận trọng trong việc áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ và dự kiến đánh thuế phần lớn các hàng hóa Mỹ còn lại kể từ ngày 15/12.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác đứng ở mức 99,286, nhích lên so với mốc 98,8 phiên hôm qua 2/9. Đồng yên Nhật giao dịch ở mức 106,07 JPY đổi 1 USD, lên giá nhẹ so với mức 106,3 JPY đổi 1 USD trong phiên trước đó.
Giá dầu trên thị trường châu Á sụt giảm trong phiên chiều nay 3/9, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,44% xuống 58,40 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm sâu hơn 0,93% xuống còn 54,59 USD/thùng.