Doanh nghiệp
AWS: Khách hàng là trọng tâm trong đổi mới sáng tạo
Hải Yến - 18/05/2020 08:31
"Sứ mệnh" của AWS là luôn lấy khách hàng làm trung tâm để cung cấp những giải pháp sáng tạo giúp giải quyết vấn đề đau đầu, thách thức của họ. Khi chúng tôi giúp khách hàng giải quyết những vấn đề như vậy thì AWS cũng "giàu có" hơn về kinh nghiệm để tiếp tục thăng hoa với những dự án đổi mới sáng tạo mới.
Ông Santanu Dutt, Trưởng phòng công nghệ, Amazon Web Services (AWS) khu vực ASEAN khẳng định,Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển của AWS

Chia sẻ với Baodautu.vn về một loạt công nghệ mới ra mắt nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp ở quy mô toàn cầu, ông Santanu Dutt, Trưởng phòng công nghệ, Amazon Web Services (AWS) khu vực ASEAN còn nhấn mạnh về triết lý kinh doanh của AWS để duy trì tính sáng tạo, đổi mới và linh hoạt nhằm có được hiệu suất cao nhất cho cả AWS lẫn khách hàng.

Thưa ông, loạt giải pháp hướng tới khách hàng doanh nghiệp mà AWS vừa ra mắt cuối năm 2019 có gì nổi trội?

Toàn bộ giải pháp công nghệ mới mà AWS vừa đưa ra thị trường đều có điểm dễ nhận biết là giúp cho khách hàng làm việc hiệu quả với năng suất cao hơn.

Đơn cử, phần mềm Amazon Kendra giống như 1 công cụ tìm kiếm và có thể được tích hợp trên một trang web của một doanh nghiệp hoặc 1 một công ty nào đó, cho phép người ta tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả hơn. Dịch vụ này không phải là một công cụ tìm kiếm thông tin thuần túy như các công cụ tìm kiếm khác trên thị trường, mà nó là một cái gì đó để có thể tăng cường hiệu quả tìm kiếm thông tin cho nhân viên trong một trang web hoặc nó hỗ trợ thêm cho các công cụ tìm kiếm hiện tại của khách hàng.

Mô hình tính giá dịch vụ của AWS là dùng đến đâu trả tiền đến đấy chứ không phải trả tiền theo mức độ tài nguyên phần cứng mình mua xong mình cứ bị dính chặt vào đó.

Với mô hình trả tiền theo mức độ sử dụng thực tế của AWS, khách hàng tại Việt Nam có thể đăng ký sử dụng tài nguyên điện toán trên môi trường điện toán đám mây và số giờ sử dụng được tính theo phút. Ví dụ khách hàng sử dụng 20 phút sau đó họ cảm thấy không hiệu quả, họ muốn giải phóng cái đó đi thì sau đó họ sẽ không phải trả tiền nữa như vậy chi phí của họ sẽ rất hợp lý.

Trong khi đó, dịch vụ Amazon Sumerian liên tục được nâng cấp, bổ sung các tính năng mới trong năm vừa qua.

Amazon Sumerian là công cụ cho phép bộ phận công nghệ thông tin của doanh nghiệp phát triển ứng dụng tương tác 3D, AR/VR, mang tới những trải nghiệm hấp dẫn cho khách hàng trên nền tảng trình duyệt. Dịch vụ này giúp doanh nghiệp trở thành nhà hàng bán lẻ kỹ thuật số hoàn toàn, giảm đáng kể số nhân sự cần tuyển dụng. Một ví dụ điển hình là Maxis, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Malaysia, đã ứng dụng dịch vụ Amazon Summerian để tạo ra một cô lễ tân ảo để giao tiếp và đáp ứng từ 50-70% các nhu cầu của khách hàng.

Lĩnh vực máy học (Machine Learning) cũng được chúng tôi rất chú trọng trong những năm vừa qua với nhiều bổ sung tính năng, dịch vụ mới, như Amazon Polly, Amazon Connect, Amazon Rekognition, Amazon Transcribe v.v… giúp khách hàng giải quyết các vấn đề thực tế trong đời thực hoặc các vấn đề kinh doanh như là dự đoán, dự báo hoặc tự động hóa, xử lý tiếng nói, nhận dạng tiếng nói, thị giác máy tính trong lĩnh vực game…

Tại sao các doanh nghiệp nên chọn giải pháp của AWS để sử dụng thay vì các hãng khác?

AWS được biết tới là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên trên thế giới. Từ năm 2006, chúng tôi đã đưa ra dịch vụ điện toán đám mây công cộng cũng như các dịch vụ web services rồi. Thời điểm đó hầu hết các nhà cung cấp khác họ còn chưa biết được điện toán đám mây là gì hoặc web services nó là gì.

Với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì đó là cả một sự khác biệt vượt trội với những nhà cung cấp khác, bởi chúng tôi hiện đang cung cấp danh mục gồm 175 dịch vụ đầy đủ đa dạng nhất và phong phú nhất bao gồm phát triển, triển khai và quản lý các dịch vụ điện toán, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, mạng, phân tích, robotics, học máy (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, di động, bảo mật, dịch vụ lai (hybrid), VR và AR, truyền thông và các ứng dụng khác.

Bên cạnh đó, AWS có 24 region (cụm trung tâm dữ liệu) được đặt tại 24 thành phố khác nhau trên phạm vi toàn cầu, cho phép khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn khu vực phù hợp để xây dựng và vận hành những ứng dụng của họ.

Trong thời đại số, mọi thứ đều thay đổi rất nhanh, AWS có bí quyết gì để duy trì sự hấp dẫn của dịch vụ mình cung cấp tới khách hàng? AWS có lo ngại cạnh tranh làm sụt giảm thứ hạng của mình không?

Mỗi một sản phẩm, dịch vụ thường có nhiều nhà cung cấp khác nhau và triết lý của AWS là không bao giờ muốn đưa ra một giải pháp, sản phẩm, dịch vụ nào để cạnh tranh với sản phẩm khác. Tôi phải khẳng định, AWS luôn lấy khách hàng làm trung tâm và thực sự muốn giải quyết vấn đề đau đầu, thách thức của khách hàng. Khi chúng tôi giúp khách hàng giải quyết những vấn đề như vậy thì chúng tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm cho mình, từ đó có thêm động lực cho đổi mới, sáng tạo sau này.

Tại AWS, chúng tôi có một sứ mệnh, đó là đổi mới bản thân mình cũng là cách để giúp cho các khách hàng đổi mới ngay từ  từ giai đoạn đầu. Văn hóa của AWS lúc nào cũng coi chúng tôi như một công ty mới khởi nghiệp, luôn có sự trẻ trung và sự tươi mới. Qua đó, giúp chúng tôi có sự linh hoạt uyển chuyển và chúng tôi lúc nào cũng cố gắng đưa ra những giải pháp, những sản phẩm công nghệ mới để phục vụ khách hàng.

Thị trường Việt Nam được coi trọng như thế nào trong chiến lược phát triển của AWS?

AWS hiện đã có văn phòng đặt tại Hà Nội và TP.HCM, 2 đô thị có mức tăng trưởng kinh tế lớn của quốc gia và Tập đoàn đã bổ nhiệm ông Eric Yeo làm Tổng giám đốc AWS tại Việt Nam. Điều này đã nói lên tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển của AWS.

Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ, giải pháp của AWS ngày càng đa dạng, từ dịch vụ về hạ tầng, máy chủ, lưu trữ, về marketplace, đến IoT, Machine Learning…

Ở Việt Nam, AWS có những khách hàng lớn như VTV Go, Masan Group hoặc Điện Quang… họ đang sử dụng dịch vụ của AWS nhiều năm liền. Hay trong mảng dịch vụ tài chính cũng như ngân hàng thì nhiều doanh nghiệp lớn như VPBank cũng đang sử dụng giải pháp của AWS, cùng nhiều khách hàng khác nữa.

Trong mảng công nghệ nông nghiệp, WeatherPlus - một công ty Việt Nam chuyên về các giải pháp công nghệ về thời tiết và nông nghiệp mang giá trị cho cộng đồng, cung cấp thông tin về khí tượng thủy văn cho người nông dân để họ biết được rằng khi nào là thời điểm reo hạt, trồng cây hoặc là thu hoạch tốt nhất cũng đã triển khai hệ thống của họ trên nền tảng AWS bởi những ưu thế như như tài nguyên điện toán có thể co giãn, mở rộng một cách linh hoạt, và hơn nữa họ còn có thể thực hiện được các yếu tố phân tích về thời tiết để cung cấp thông tin sâu hơn cho người nông dân.

Tin liên quan
Tin khác