Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay; Đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả |
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng với nội dung về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp đạt 1.393 tỷ đồng, bằng 82% doanh thu thực hiện năm 2018.
Cụ thể, doanh thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia là 971 tỷ đồng (giảm 370 tỷ đồng so với năm 2018), khoản lợi nhuận này phát sinh từ các doanh nghiệp, gồm: Công ty Xi măng Hà Tiên 1, Công ty Siam City, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Chinfon.
Lợi nhuận thực hiện trong năm 2019 của Vicem vẫn đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018 chủ yếu do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Với giá trị đầu tư tài chính 13.634 tỷ đồng, cổ tức, lợi nhuận được chia tính trên tổng giá trị đầu tư trong năm 2019 đạt mức 7,1%, giảm 2,7% so với năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu sụt giảm cổ tức được chia của Vicem Hà Tiên 1 (giảm 92 tỷ đồng), Công ty Siam City (giảm 96 tỷ đồng), Công ty Xi măng Nghi Sơn (giảm 150 tỷ đồng), Công ty Xi măng Chinfon (giảm 32 tỷ đồng).
Đáng chú ý, số dư nợ phải thu của Công ty mẹ - Vicem tại thời điểm 31/12/2019 lên tới 2.242 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở ba doanh nghiệp, gồm: Công ty Xi măng Tam Điệp với khoản vay 700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long với khoản vay 100 tỷ đồng và Sông Thao với khoản vay 288 tỷ đồng.
"Các công ty này có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản cho vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm", Bộ Tài chính nhận định.
Theo đánh giá, Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long và Vicem Sông Thao tuy có sự cải thiện về tài chính nhưng do lỗ lũy kế lớn nên mất cân đối và mất an toàn về tài chính, mất khả năng thanh toán, hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ Công ty mẹ và thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt.
Ngoài 3 doanh nghiệp tình hình tài chính khó khă, vay nợ lớn kể trên, Vicem vẫn còn một số đơn vị như Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Vân hoạt động sản xuất kinh doanh chưa mang lại hiệu quả, trong đó một số Công ty có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn thấp, gặp khó khăn trong thanh toán nợ ngắn hạn.
Với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Vicem, Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay; đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả, thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu không để tình trạng có sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chia cổ tức thấp hơn năm trước. Để làm điều đó, Bộ Tài chính yêu cầu Vicem chỉ đạo người đại diện tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết biểu quyết tăng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn (đặc biệt tại các công ty liên doanh nước ngoài).
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phân tích, đánh giá nguyên nhân và xây dựng phương án khắc phục khó khăn đối với các công ty con có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp và cơ cấu lại các nguồn vốn huy động đảm bảo giảm rủi ro về mặt tài chính; tăng cường giám sát đối với Công ty Xi măng Tam Điệp, Hạ Long và Sông Thao để các công ty này sớm khắc phục khó khăn và trả được nợ vay.
Đối với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra, giám sát Vicem trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư, rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Vicem đảm bảo theo đúng chế độ quy định…