Thời sự
Ba đột phá chiến lược đưa Hà Nam phát triển nhanh và bền vững
Quý Hưng - 06/08/2016 08:18
Nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Nam năm 2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thực hiện ba đột phá chiến lược đưa Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.

Xin ông cho biết những lợi thế về vị trí, tiềm năng và môi trường đầu tư của tỉnh tạo sức hút trong kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp?

Hà Nam là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội; có vị trí nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng Bắc Bộ với diện tích 861,9 km2, dân số 802.705 người; nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy hết sức thuận lợi (Quốc lộ 1A, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 38, Quốc lộ 21A, 21B, đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ -Ninh Bình, cầu Yên Lệnh, tuyến đường sắt Bắc - Nam…) đã tạo cho Hà Nam lợi thế mới để mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông Bắc, Hà Nội, Hải Phòng cùng các tỉnh miền Trung, TP.HCM...

Hà Nam có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, màu mỡ, có hệ thống núi đá vôi phong phú (trữ lượng hơn 7 tỷ mét khối) thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Tập đoàn HTC Goup tại buổi lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: Mạnh Tùng

Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 4 khu công nghiệp (Đồng Văn I, II, Châu Sơn và Hòa Mạc) đang hoạt động, với vị trí nắm sát Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 38…  được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng điện, viễn thông và cấp thoát nước, xử lý nước thải; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 70%, còn trên 200 ha đất sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Ngoài ra, Hà Nam đã quy hoạch và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ  tầng các KCN khác như Đồng Văn III, KCN Đồng Văn, Thái Hà, Thanh Liêm… để sẵn sàng thu hút đầu tư.

Hà Nam có hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống các trường đại học và cơ sở dạy nghề đang và sẽ đào tạo cung cấp nguồn lao động có chất lượng, trình độ chuyên môn như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Thương mại…

Cùng với hệ thống y tế đồng bộ của tỉnh, Hà Nam đã được Chính phủ phê duyệt Trung tâm y tế chất lượng cao cấp vùng, hiện nay đã có một số bệnh viện lớn đang triển khai đầu tư cơ sở 2 như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. Đặc biệt, môi trường đầu tư Hà Nam với cơ chế thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp với 10 cam kết của tỉnh dành cho nhà đầu tư.

Ông có thể cho biết ba đột phá chiến lược của Hà Nam đến năm 2020 để phát huy lợi thế trên?

Trong 5 năm tới 2016-2020, với quan điểm “ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực phát triển, phát triển là mục tiêu, nền tảng và then chốt để giải quyết mọi vấn đề”, Hà Nam tập trung thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách vào thực tiễn của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Ba đột phá trên là tiền đề quan trọng để Hà Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra và mục tiêu tổng quát đó là: “Đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, trọng tâm là công nghiệp hóa nông nghiệp; mở rộng liên kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững”.

Để thực hiện thành công ba đột phá chiến lược này, cũng chính là đẩy mạnh thu hút đầu tư và trở thành bạn đồng hành tin cậy của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, thời gian tới, Hà Nam cần tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào?

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất gắn với tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp các nước nông nghiệp phát triển, tổ chức sản xuất phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Trong đó, tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Israel, Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng và các tập đoàn lớn... Chuyển diện tích đất bãi, đất trồng lúa, đất đồi khu vực Tây Đáy kém hiệu quả, đất ven sông sang trồng cây hàng hóa giá trị kinh tế cao. Tiếp tục thực hiện các cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân, hộ gia đình phát triển chăn nuôi, phát triển mạnh chăn nuôi lợn, bò sữa theo mô hình gia trại; xây dựng văn hoá sản xuất nông nghiệp sạch, tạo cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững.

Tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao. Thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Tập trung thu hút doanh nghiệp của các nước công nghiệp phát triển; chú trọng doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Kiên quyết không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tập trung nguồn lực tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống.

Tập trung phát triển mạnh thương mại, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, đưa Hà Nam trở thành trung tâm cấp vùng về dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch chất lượng cao. Thu hút các trường đại học công lập, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các trường đại học nước ngoài, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh về đầu tư . Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đổi mới công tác đào tạo nghề, liên kết, hợp tác với trường quốc tế, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Chú trọng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực; có chính sách ưu đãi thu hút các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển; đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công gắn với việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tất cả các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thành lập Văn phòng điện tử một cửa của tỉnh và các địa phương, sở, ban, ngành để kết nối, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Phát huy những lợi thế, thành quả đã đạt được, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, sáng tạo và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định rõ, cùng với đó là sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự đồng hành hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cộng với khát vọng đổi mới toàn diện, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược sẽ giúp Hà Nam hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đưa Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.

Tin liên quan
Tin khác