Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Corona. |
Ảnh hưởng nặng từ virus Corona
Đúng với tính chất đặc thù “nhanh, tốc độ và chuẩn xác”, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo tác động ảnh hưởng của đại dịch Corona đến hoạt động kinh doanh hàng không dân dụng trong nước chỉ vỏn vẹn 5 ngày sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan chủ quản.
Song, đây chắc chắn không phải là thông tin mà các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng không và giới đầu tư mong chờ, khi những tổn thất bước đầu gây ra bởi đại dịch virus Corona đang vượt rất xa các dự báo trước đó.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp, ngay tức thì khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch virus Corona, cụ thể là từ việc tạm dừng khai thác thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc (ngày 23/1); cấm nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày… cho đến việc ảnh hưởng dây chuyền của các thị trường quốc tế (đặc biệt là Hồng Kông, Đài Loan, Macao) và nguồn khách quốc tế trên thị trường nội địa.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của các hãng hàng không trong nước, kể cả những hãng bay chưa thiết lập hay khai thác đến thị trường này. Tính đến ngày 31/12/2019, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chiếm 18,1% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam tính toán, việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan như hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác phòng dịch… Theo tổng hợp của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay tới Trung Quốc mà các hãng bay Việt Nam phải gánh chịu hiện đã lên tới 10.000 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc không sớm cải thiện.
Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không hai nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay khi mất đi hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ. Những hệ lụy tiêu cực được cho là sẽ tác động “domino” tới nhiều doanh nghiệp hàng không phụ trợ trong dây chuyền như: suất ăn hàng không, kinh doanh miễn thuế, đồ lưu niệm…
Ba kịch bản
Trước khi nhà chức trách hàng không ra quyết định hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm 13h ngày 1/2, có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Trong nước, 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến cũng từ 5 thành phố nói trên đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
“Với số lượng đường bay dày đặc như trên, sự suy giảm khách trên toàn thị trường hàng không là không thể tránh khỏi dù đúng vào dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán 2020. Năm nay sẽ là năm đặc biệt khó khăn với ngành hàng không”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airines đánh giá.
Nhận định của CEO Vietnam Airines là có cơ sở, bởi từ ngày 1/2 đến 7/2/2020 (một tuần sau khi dừng khai thác thị trường Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không chỉ đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng bay Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm tới 28% so với cùng kỳ.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không dựa trên thời điểm phía Trung Quốc công bố hết dịch.
Theo đó, đối với phương án tối ưu (công bố hết dịch vào tháng 4/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 đạt 80 triệu lượt (41 triệu khách quốc tế và 30 triệu khách nội địa), tăng 1,1% so với năm 2019. Với phương án trung bình (công bố hết dịch vào tháng 6/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 chỉ đạt 74,6 triệu lượt (37,6 triệu khách quốc tế và 36,4 triệu khách nội địa), giảm 5,7% so với năm 2020. Với phương án thấp và cũng là xấu nhất (công bố hết dịch vào tháng 8/2020), tổng khách toàn thị trường chỉ đạt vỏn vẹn 65,5 triệu lượt (32,5 triệu khách quốc tế và 33 triệu khách nội địa), giảm 17,2% so với năm 2020.
Nếu phương án 2, 3 xảy ra thì đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm sau khi liên tục tăng trưởng hai con số.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh), đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định. Hiện bản thân các hãng hàng không trong nước cũng đã rốt ráo tìm giải pháp để giảm bớt thiệt hại do tác động của đại dịch virus Corona. Trong khi Vietnam Airlines tìm cách tăng doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay thông qua việc ký các thỏa thuận liên doanh với các đối tác nước ngoài, thì Vietjet cũng đã công bố việc mở 2 đường bay mới đi/đến Ấn Độ…