Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện ngành tôm đang chịu chung cùng với các ngành nông sản khác “ba lời nguyền” là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.
Tồn tại trên dẫn đến khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều; khó ứng dụng thành tựu khoa học kĩ thuật tăng năng suất nhằm giảm giá thành; khó ứng dụng các quy trình nuôi quốc tế như ASC, BAP; khó trong việc đánh mã số cơ sở nuôi…
“Các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng rất cao, nhất là ở Ecuador dù diện tích nuôi tôm của họ thấp hơn con số khoảng 800.000 ha của Việt Nam. Chúng ta cần nhìn vào thành tựu của họ để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình” - ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Để đưa ngành tôm thoát khỏi “ba lời nguyền”, các doanh nghiệp sản xuất tôm cho rằng Bộ, ban ngành liên quan cùng các doanh nghiệp cần phải có những quan tâm kịp thời, nới rộng chính sách trong việc xây dựng các mô hình nuôi tôm theo chuỗi liên kết mới; mô hình nuôi tôm quy mô trang trại, hợp tác xã; mô hình tôm rừng, tôm lúa.
Ba mô hình nuôi và cung cấp tôm nguyên liệu nêu trên là trọng điểm trong tương lai. Bởi hiện nguồn cung cấp tôm nguyên liệu từ nuôi nhỏ lẻ manh mún và tự phát vẫn còn là chủ lực. Người nuôi nhỏ lẻ đối diện rủi ro rất cao là thiếu nước nuôi và không nơi xử lý nước thải nên xả ra kênh chung khiến tôm dễ nhiễm chéo là phổ biến. Từ đó dễ dẫn tới nguồn cung thiếu, chưa nói chất lượng sản phẩm.
Để có thể hình thành 3 mô hình nuôi trên, các chuyên gia VASEP cho rằng, Nhà nước và cơ quan liên quan cần tạo sự thông thoáng trong cơ chế hình thành các trang trại nuôi quy mô lớn, có tác dụng dẫn dắt toàn ngành trong việc nâng cao sức cạnh tranh với các cường quốc tôm thế giới; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm để nâng cao hiệu suất nuôi tốt hơn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi và tập trung vùng trọng điểm.
Có như vậy, tôm Việt mới đạt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đã đề ra và nâng cao khả năng vươn tầm hàng đầu thế giới.