Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Tú Anh và Lê Văn Ký. |
Bước chân nhỏ của một hành trình lớn
Lần đầu tiên giới báo chí Việt Nam biết đến bà Nguyễn Tú Anh, thậm chí là biết đến Công ty VitaDairy, có lẽ là cách đây 4 tháng, khi VitaDairy chính thức khánh thành nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương). Nhà máy này có vốn đầu tư 6 triệu USD, công suất lên đến 5.000 tấn/năm.
Như vậy, cùng với nhà máy ở phía Bắc, VitaDairy có thể tăng gần như gấp đôi công suất để cung ứng ra thị trường các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, được nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng khoa học dinh dưỡng tiên tiến.
Chỉ là lần đầu tiên báo chí biết đến bà Nguyễn Tú Anh và VitaDairy thôi, còn thực tế, công ty này đã được thành lập từ năm 2005, rất nổi tiếng trong giới y, bác sĩ. Các sản phẩm của VitaDairy, từ sản phẩm dinh dưỡng cho người cao tuổi, người ốm bệnh như CaloSure, CaloSure Gold, Nepro 1, Nepro 2, Gluvita, Gluvita Gold…, đến những sản phẩm dinh dưỡng từ sữa dê Goatlac, Goatamil BA, Goatamil Digest, Higoat..., hay các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em ColosBaby, ColosBaby Gold, Vitagrow, Calokid, OGGI... đều được đông đảo bệnh nhân ở khắp các bệnh viện lớn, nhỏ trong cả nước biết tiếng.
Thế nên, khi VitaDairy khánh thành nhà máy thứ hai, nhiều người bảo, đó là “bước chân nhỏ” tiếp theo của Công ty trong hành trình lớn là thực hiện sứ mệnh “phụng sự dinh dưỡng” và thực hiện “nghĩa vụ vun bồi sức sống” cho người Việt. Hỏi bà Tú Anh vì sao lại là “nghĩa vụ vun bồi sức sống”, bà bảo, khi bước chân vào Đại học Y, bà đã được học về lời thề Hippocrates. Thế nên, chăm sóc bệnh nhân, lo dinh dưỡng cho người Việt, với bà, là “nghĩa vụ”, là điều tất nhiên phải làm.
Bà bảo, tại VitaDairy, nghiên cứu khoa học chính là nền tảng của “nghĩa vụ phụng sự sức khoẻ dinh dưỡng cho người dùng”. “14 năm kiên định với những yếu tố khắt khe của khoa học, kết hợp với khả năng thấu hiểu được khẩu vị cũng như thể trạng của người Việt, VitaDairy đã từng bước chinh phục và mang lại sự tin tưởng của hàng triệu khách hàng, từ những sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho bệnh nhân tiêu đường, bệnh thận… cho đến sản phẩm phục vụ số đông như người lớn tuổi hay trẻ nhỏ”, bà Nguyễn Tú Anh nói.
Bà cho biết, sự kiện khánh thành nhà máy mới tại Bình Dương chính là sự mở rộng cam kết của VitaDairy trong việc chăm lo cho sức khỏe của khách hàng và mang đến những sản phẩm chất lượng nhất cho họ. “Dù chỉ là bước khởi đầu khá khiêm tốn, chúng tôi cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để tiếp tục thực hiện ‘nghĩa vụ vun bồi sức sống’ cho người tiêu dùng”, bà Tú Anh mỉm cười.
Nữ doanh nhân và nhà khoa học thiện tâm
Nói về bà Nguyễn Tú Anh, không thể không nhắc đến bác sỹ Lê Văn Ký, bạn học ở Đại học Y, người bạn đời, người luôn đứng sau mỗi bước đi của nhà sáng lập VitaDairy. Trong khi Nguyễn Tú Anh học về dinh dưỡng, ngay sau khi ra trường đi làm ngay, chuyên về y tế dự phòng, thì bác sĩ Lê Văn Ký tiếp tục ở lại học nội trú, sau này về làm việc ở Khoa cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Lê Văn Ký kể, ở nơi mà dường như không phân biệt ngày và đêm, nơi các y, bác sĩ luôn phải căng mình để điều trị, giành giật sự sống cho bệnh nhân, ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân có thể trạng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng. Với thể trạng ấy, dù có thuốc tốt cũng chưa chắc chữa được bệnh.
Ông chia sẻ điều này với vợ và họ cùng ấp ủ kế hoạch sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh, từ cái tâm với những người bệnh nghèo. Và kế hoạch đó trở thành hiện thực, khi vào năm 2005, bà Tú Anh quyết định mở Công ty VitaDairy. Còn bác sĩ Lê Văn Ký, vẫn sẽ ở lại bệnh viện để làm việc. “Thực ra là anh ấy chiều theo đam mê của tôi”, bà Tú Anh mỉm cười.
Khi ấy, họ lấy nhau chưa được bao lâu, điều kiện kinh tế còn khó khăn, mãi mới tích cóp được tiền để mua căn hộ tập thể hơn 50 m2. Nhưng thấy vợ tâm huyết, bác sĩ Ký quyết định bán căn hộ ấy đi, quay trở về căn nhà cũ để ở. “Lúc ấy tôi đã nghĩ, thôi thì cùng lắm là mất căn hộ đó”, bác sĩ Ký hồn hậu.
Nhà bán được 300 triệu đồng, nhưng chỉ riêng tiền thuê đất để xây nhà máy ở Thường Tín cũng phải đến 500 triệu đồng. “Cũng may chủ đầu tư của khu công nghiệp đó quyết định cho trả chậm, lại chấp nhận cho thuê chỉ một diện tích nhỏ - 5.000 m2, nên tôi có tiền để xây nhà máy, mua máy móc, thiết bị”, bà Tú Anh nói và kể rằng, khi ấy, hiểu tâm huyết và tin tưởng bà, 3 người bạn nữa đã quyết định cùng dốc vốn vào VitaDairy và luôn đồng hành cùng bà trong quá trình phát triển VitaDairy.
“Mọi người biết tính tôi, làm cái gì cũng rất cẩn thận nên họ tin tưởng. Nhưng thực ra, tôi không giỏi tính toán về tài chính và cũng luôn sợ làm mất tiền của người khác, thế nên, làm cái gì cũng cẩn trọng. Tuy nhiên, khi tôi đã quyết là phải làm bằng được, nên rất nỗ lực và quyết tâm theo đuổi đến cùng”, bà Tú Anh nói.
Tính là sáng lập ra VitaDairy và là chủ công ty ấy, nhưng trong suốt 14 năm qua, thời gian bà Tú Anh ở phòng thí nghiệm còn nhiều hơn ở văn phòng. Thời gian đầu, bà ở phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến 12 giờ đêm mới về. Vẫn là bác sĩ Ký lặn lội nửa đêm đi đón vợ. Cũng có lúc ông chạnh lòng, bởi dường như VitaDairy đã “cướp” vợ của ông, “cướp” mẹ của các con ông. Nhưng rồi ông luôn đứng đằng sau ủng hộ, động viên và đồng hành với vợ trong hành trình thực hiện sứ mệnh phụng sự dinh dưỡng cho người Việt.
Bà Tú Anh kể, cuối năm 2005, VitaDairy mới cho ra sản phẩm đầu tiên, là CaloSure dành cho người già. Vui quá, bà đích thân chở hàng đi, không may vì chở quá nặng nên bị ngã xe. Lại là bác sĩ Ký đến “cứu” vợ.
Cứ như thế, nỗ lực đến từng giây, từng phút, bác sĩ Nguyễn Tú Anh đã không ngừng nghiên cứu và sản xuất ra hàng loạt sản phẩm dinh dưỡng mới phục vụ người tiêu dùng Việt. Danh mục sản phẩm của VitaDairy cho đến nay đã lên đến hàng chục. Sản phẩm làm ra đến đâu, hết đến đấy. Vừa bán ra thị trường, nhưng phần lớn là VitaDairy trúng thầu cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho các bệnh viện lớn, nhỏ trong cả nước.
Dù sản phẩm bán ra rất tốt, doanh thu ngày càng lớn, song bà Tú Anh vẫn đêm ngày trong phòng thí nghiệm. Dù đã có nhiều cộng sự, nhưng bà vẫn là “át chủ bài” ở phòng nghiên cứu, đồng thời lo chiến lược phát triển của Công ty. Còn các vấn đề quản lý, điều hành, bà thuê ngoài, bởi “họ giỏi hơn tôi, tôi chỉ giỏi nghiên cứu thôi”.
“Thực ra, khi mới mở Công ty, chúng tôi cũng không nghĩ nó sẽ lớn mạnh như thế này”, bác sĩ Ký thành thật chia sẻ. Và khi được hỏi “nghĩa là ông đã không mất căn nhà của mình chứ?”, thì ông bật cười sảng khoái: “Đúng là tôi đã không mất căn hộ tập thể đó. Thậm chí bù lại, chúng tôi đã mua được 1 căn hộ chung cư khác, rộng gấp 3 lần căn hộ cũ”.
Hóa ra, niềm vui kinh doanh thành công của vợ chồng bà Tú Anh chỉ đơn giản là thế. Với họ, điều quan trọng nhất không phải là doanh thu của VitaDairy hiện là hơn 200 tỷ đồng/năm như hiện nay, mà là bà và các cộng sự đã sáng tạo và sản xuất ra rất nhiều sản phẩm dinh dưỡng phù hợp cho người Việt, giúp họ có thêm sức khỏe, sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật. Hiếm có nữ doanh nhân và nhà khoa học nào lại thiện tâm như thế!
Chỉ thích về với phòng thí nghiệm
Khiêm nhường đến mức rụt rè, kín tiếng đến mức công ty đã hoạt động gần 15 năm mới lần đầu tiên quyết định xuất hiện trước báo chí, trả lời phỏng vấn còn bối rối đến đỏ mặt, bà Nguyễn Tú Anh khiến ngay cả những nhà báo thường thích “móc máy” cũng cảm động. Đặt câu hỏi vì sao đã “ẩn giật” hơn 1 thập kỷ, mà giờ quyết định “lộ diện”, thì bà bảo, bà làm thế là vì những cổ đông khác nữa.
“Gần 15 năm qua, chúng tôi đã làm được rất nhiều điều, có nhiều sản phẩm tốt, phù hợp cho người Việt, nhưng lại không có quá nhiều người biết đến. Các cổ đông nói rằng, đã đến lúc phải đưa Công ty đến tầm phát triển cao hơn, phải làm sao để ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt biết đến sản phẩm của chúng tôi hơn. Vì thế, họ nói tôi có trách nhiệm phải làm điều đó”, bà Tú Anh nhỏ nhẹ giải thích và không quên nói một điều “bí mật”.
“Tôi đã nói với họ là, sau khi tôi làm được điều đó, thì hãy để tôi quay trở về phòng thí nghiệm, toàn tâm toàn ý với nó”, bà Tú Anh mỉm cười.
Hóa ra, tận trong sâu thẳm tâm hồn của nữ doanh nhân này, lời thề Hippocrates vẫn còn “nóng hổi”. Hơn hết, bà vẫn muốn mình là nhà khoa học, nghiên cứu ra các sản phẩm mới để thực hiện “nghĩa vụ vun bồi sức sống”. Bà bảo, bà vẫn còn ấp ủ nhiều kế hoạch lắm, nhất là nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em. Dù mọi chuyện không hề dễ dàng, vì mỗi sản phẩm phải mất đến 2 năm từ nghiên cứu đến thử nghiệm lâm sàng và được phép thương mại hóa, nhưng với bà thì “có quyết tâm là sẽ làm được”.
Nghe bà chia sẻ, càng thêm kính trọng nữ doanh nhân và nhà khoa học thiện tâm này!