Nội lực của địa phương
Với chặng đường 32 năm hình thành và phát triển (1991 - 2023), Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định vị thế là tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh với GRDP và tổng thu ngân sách Nhà nước luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh cũng luôn được đảm bảo.
Hơn ba thập kỷ trôi qua, trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng được những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế. Tỉnh được biết đến là địa phương có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tỉnh thu hút mới 21 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 458 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 31.535,5 triệu USD.
Kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển vững chắc trên cả 4 trụ cột. Về cảng biển-logistics, với các lợi thế đặc biệt về tự nhiên như luồng sâu kín gió, năng lực đón tàu trọng tải lớn, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế… cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch là cảng biển đặc biệt quốc gia, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Hiện nay, cảng CM-TV trên địa bàn tỉnh là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được “siêu” tàu lớn nhất.
Về công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 8.492 ha. Trong đó, có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 7.242ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 66,47% trên số khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, tỉnh có khu công nghiệp kiểu mẫu Phú Mỹ 3 được định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Vietnam Japan Gas JSC (VJG) là Công ty 100% vốn Nhật Bản tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, BR-VT |
Về du lịch, trải dài hơn 300km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, khí hậu ôn hòa, cùng nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử… Bà Rịa - Vũng Tàu đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, tỉnh thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, năm 2023 ước đạt 14,1 triệu lượt khách.
Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã lan tỏa rộng khắp trên quy mô toàn tỉnh. Tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đang tiến tới hình thành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững, gắn nông nghiệp sinh thái với phát triển du lịch.
“Cú huých” mới từ Trung ương
Mới đây (ngày 16/12), Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên “cú huých” mạnh, thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu sớm đạt được các mục tiêu phát triển mới. Theo đó, Chính phủ giao mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ; Là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước; Phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tầm nhìn đến 2050, Chính phủ xác định Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 |
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã thông qua các phương án quy hoạch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng như: công nghiệp, dịch vụ hàng hải và logistics, ngành du lịch, ngành thông tin truyền thông, chuyển đổi số, ngành kinh tế biển…
Tỉnh sẽ tập trung tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng (gồm 3 vùng lãnh thổ trên đất liền, 1 vùng biển - hải đảo) và 3 trục động lực kinh tế. Tỉnh tập trung xây dựng hướng đến hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối ở tất cả các phương thức vận tải như: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Mạng lưới điện; hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt; mạng lưới viễn thông; mạng lưới thủy lợi, cấp nước;… cũng được có các phương án bố trí hợp lý phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển của các ngành.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện từ Chính phủ, cùng sự quyết tâm cao của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang sẵn sàng cho những bước vươn cao, hướng đến phát triển bền vững.