Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km và hơn 100.000 km2 thềm lục địa có nhiều tiềm năng và lợi thế về biển. Với lợi thế cảng nước sâu là điểm nổi bật nhất trong vùng, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo vị thế vùng riêng biệt cho tỉnh. Nằm liền kề với TP.HCM, điều kiện khí hậu, đất đai và nguồn tài nguyên tự nhiên thuận lợi là ưu thế về phát triển kinh tế biển với các ngành dầu khí, công nghiệp, hải sản và phát triển chuỗi đô thị du lịch biển, đảo.
Côn Đảo - khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. (Ảnh: VGP) |
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có chuỗi 3 đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gồm TP.Vũng Tàu, TT.Long Hải và TT.Phước Hải. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có Côn Đảo là vùng đô thị biển. Hiện nay, tỉnh đang lập 3 quy hoạch đô thị biển là Hồ Tràm, Bình Châu và Lộc An. Với quy hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ có 7 đô thị biển.
Ngoài chuỗi 3 đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển thêm các đô thị biển như: Hồ Tràm, Bình Châu, Lộc An và toàn bộ Côn Đảo sẽ phát triển thành đô thị biển đảo. Theo đó, đô thị Hồ Tràm là đô thị du lịch ven biển của tỉnh và huyện Xuyên Mộc, là trung tâm kinh tế dịch vụ, du lịch có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, hướng đến hình thành đô thị loại V trong giai đoạn 2025 và đến 2030.
Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được định hướng phát triển thành đô thị mới |
Theo các chuyên gia, kiến trúc sư đầu ngành, để thúc đẩy kinh tế biển, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tập trung ưu tiên phát triển các chuỗi đô thị biển, làm “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ và là “bàn đạp” tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng. Muốn đạt được mục tiêu đó thì đô thị biển Bà Rịa - Vũng Tàu phải quy hoạch theo hướng bền vững, hiệu quả, có bản sắc riêng và quan trọng là phải có “của để dành” cho tương lai.
Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng. Quy hoạch định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
Vẻ đẹp bình dị của Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu |
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khu vực có cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, ngoài ra còn có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc... Cùng với đó là quần đảo Côn Đảo, vừa là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận và đánh giá cao.
Mặt khác, Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm cuối của dải ven biển từ miền Trung trở vào có thể phát triển du lịch biển; cộng thêm vị trí địa lý liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam bộ, với thị trường hơn 18 triệu dân có thu nhập cao gấp 1,5 lần mức bình quân đầu người của cả nước, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh... Các yếu tố trên, đã hội tụ đủ điều kiện để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Đông Nam bộ cũng như phát triển chuỗi đô thị du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các địa danh có tiềm năng về du lịch, các tỉnh lân cận để xây dựng hệ thống giao thông liên kết các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Việc phát triển chuỗi đô thị du lịch biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo môi trường sống an toàn, trong lành, đáng sống, hấp dẫn du khách. Phát triển các chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại và đẳng cấp góp phần không nhỏ đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.