Theo ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 75% số dự án đầu tư triển khai chậm trễ tại Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến thủ tục đất đai, như xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá thuê đất, phản ứng thiếu hợp tác từ phía người dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang dồn sức cải thiện môi trường đầu tư |
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 10 chỉ số quan trọng giúp PCI cao, việc “tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định” là chỉ số quan trọng đứng vị trí thứ hai. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả Chỉ số PCI năm 2013, trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì có 4 chỉ số sụt giảm điểm so với năm 2012, trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai là một trong 2 chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp nhất. Năm 2013, chỉ tiếp cận đất đai của tỉnh chỉ đạt 5,31 điểm, xếp vị trí thấp nhất cả nước.
Theo ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010 thì đã qua, nhưng đến tháng 6/2013, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) mới được Chính phủ ban hành. Trong khi chờ quy hoạch mới, nhiều hồ sơ đất đai không có cơ sở để giải quyết. Bên cạnh đó, giá đất thị trường và khung giá của Chính phủ ban hành không tương đồng, khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2003 không quy định rõ ràng, trong khi Thông tư hướng dẫn cũng không cụ thể nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, ông Sâm cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 sẽ giải quyết được những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư.
Để khắc phục những hạn chế liên quan đến thủ tục đất đai hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra nhiều giải pháp, như công bố bản đồ quy hoạch sử dụng đất, thủ tục đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 trên trang thông tin điện tử của Sở; phối hợp với UBND tỉnh cung cấp đường link liên kết công khai các thủ tục đất đai; đẩy mạnh việc cải cách hành chính để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp trong năm 2015 (hiện nay cả tỉnh còn 6%); phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) để giải quyết việc cấp giấy cho các doanh nghiệp trong các KCN.
Một vướng mắc khác đã tồn tại từ lâu mà chưa có hướng giải quyết là việc các nhà đầu tư thuê lại đất (gọi tắt là nhà đầu tư thứ cấp) nộp tiền thuê đất một lần đối với giá trị thuê toàn bộ kỳ hạn thuê đất cho nhà đầu tư hạ tầng các KCN (gọi tắt là nhà đầu tư sơ cấp). Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi “Tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Với lý do này, các nhà đầu tư thứ cấp không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, làm hạn chế các quyền của nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất tại các KCN.
Để giải quyết khó khăn này, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các KCN, Cục Thuế và các đơn vị có liên quan thành lập tổ khảo sát, học tập kinh nghiệm của các địa phương lân cận trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư tại KCN trên địa bàn tỉnh, rà soát lại quy trình hiện tại của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Trình cũng đã chỉ đạo UBND TP.Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng KCN Dầu khí Long Sơn, để đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa chủ trương xây dựng Vũng Tàu trở thành thành phố dầu khí hiện đại.
Minh Lý