Đầu tư
Ba tháng đầu năm, Hà Nam tăng trưởng cao nhất Vùng đồng bằng sông Hồng
Phương Liên - 06/04/2024 11:00
Quý I/2024, tỉnh Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,98%, là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 5 cả nước.
TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh Hà Nam, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động, khó lường, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân nên các nhiệm vụ của tỉnh được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện.

Quý I năm 2024, Hà Nam có mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh, TP. Phủ Lý nhìn từ trên cao.

Quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc với sự gia tăng về số lượng đơn hàng, trong đó có nhiều đơn hàng lớn và dài hạn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ước tính quý I năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,16% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 11,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Một tín hiệu đáng mừng, theo số liệu thống kê đến ngày 15/3, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới năm 2024 trên toàn tỉnh là 172 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 13.670,1 tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng gấp 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sử dụng lao động tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh quý I/2024 ước đạt 9.823,4 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 997,4 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư và tăng 18,5%; vốn ngoài Nhà nước đạt 6.099,1 tỷ đồng, chiếm 62,1% và tăng 5,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.726,8 tỷ đồng, chiếm 27,7% và tăng 13,0%.

Năm 2024, tỉnh Hà Nam có 84 dự án thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Trong đó, một số công trình, dự án trọng điểm thực hiện trong quý I như Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý, tổng mức đầu tư 1.398,7 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành QL21, địa phận huyện Kim Bảng, tổng mức đầu tư 691,4 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai T4, huyện Thanh Liêm tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, từ ngày 1/1 đến 29/2, toàn tỉnh thu hút 11 dự án, bằng 220% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký là 19,3 triệu USD và 1.132,6 tỷ đồng.

Thực hiện cấp mới 4 dự án FDI với tổng vốn 19,3 triệu USD, bằng 200% về số dự án và bằng 36% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Cấp mới 7 dự án với tổng vốn đăng ký 1.132,6 tỷ đồng, tăng 133,3% về số dự án và tăng 53,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 có mức tăng khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở những nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; gỗ và vật liệu xây dựng...

Du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tốt. Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam không ngừng tăng qua các năm, kéo theo doanh thu du lịch năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt tại các điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Khu du lịch Tam Chúc, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Ninh Tảo...

Tính đến ngày 3/3 tổng lượt khách du lịch đến Hà Nam đạt 2,76 triệu lượt, trong đó khách nội địa 2,72 triệu lượt, khách quốc tế 35,2 nghìn lượt.

Tin liên quan
Tin khác