Huyện Ba Vì sẽ thành một trung tâm phát triển nông nghiệp, nông trại, chăn nuôi, du lịch nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô |
Quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Vì đến năm 2030 có quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 42.402,7 ha; quy mô dân số đến năm 2030: khoảng 295.000 người
Theo đó, huyện Ba Vì sẽ có đất tự nhiên đô thị hơn 2.027 ha (Thị trấn Tây Đằng và Đô thị Tản Viên), trong đó đất xây dựng đô thị gần 370ha, đất dân dụng 347 ha...
Về định hướng tổ chức phát triển không gian chung, huyện Ba Vì được phát triển theo mô hình cấu trúc gồm 3 trục ngang có chức năng kết nối huyện Ba Vì với trung tâm Hà Nội và các tỉnh, huyện lân cận, thúc đẩy phát triển kinh tế, gồm: Quốc lộ 32, đường cao tốc Hồ Chí Minh và trục không gian Sông Tích; 2 trục dọc có chức năng giao thông, kết nối các phân vùng nông nghiệp, du lịch và đô thị của toàn huyện: Trục thứ nhất là hệ thống liên kết các đường tỉnh lộ 415 và 412B từ phía Tây núi Ba Vì đi Việt Trì, trục thứ hai là đường đê chạy ven sông Đà và sông Hồng bao quanh địa giới huyện Ba Vì.
Đồng thời, hình thành 8 trung tâm tạo động lực hỗ trợ phát triển dịch vụ, du lịch và nông nghiệp toàn huyện, kêt nối và thúc đây phát triên các xã, gồm: 2 đô thị là thị trấn Tây Đằng, đô thị Tản Viên Sơn; 6 trung tâm cụm xã (cụm đổi mới): Vạn Thắng, Minh Quang, Nhông, Sơn Đà, Thụy An, Yên Bài.
Đặc biệt, xây dựng huyện Ba Vì thành một trung tâm phát triển nông nghiệp, nông trại, chăn nuôi, du lịch nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội theo hướng sinh thái và phát triển bền vững. Phát triển cơ cấu kinh tế: Thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp.
Đô thị Tản Viên Sơn là trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho 7 xã miền núi. Tại đây hình thành khu trung tâm dịch vụ hỗ trợ, quảng bá du lịch, trung tâm buôn bán thương mại, hình thành trung tâm hành chính trong tương lai khi thành lập thị trấn Tản Viên Sơn.
Tú Ân