Thời sự
“Bắc cầu” lên Xứ Lạng
Quang Hưng - 03/11/2013 10:32
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2013 được tổ chức từ ngày 3/11 đến ngày 6/11 tại TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Qua sự kiện này, hy vọng sẽ có  thêm nhiều tour, tuyến du lịch từ Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng. Tây Bắc không xa

Mùa Hè ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Năm nay là năm thứ 5, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được triển khai ở 6 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Tuyên Quang.

Điều đáng mừng là những nhà tổ chức, những doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành của Việt Bắc đã nhận ra điểm yếu nhất trong việc phát triển du lịch vùng là khả năng kết nối với Hà Nội.

Lần đầu tiên Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến du lịch 6 tỉnh Việt Bắc gắn với Thủ đô Hà Nội” được tổ chức như một nền tảng quan trọng để khởi động hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” 2013.

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị xây dựng tour, tuyến có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, di sản truyền thống.

Có nhiều vấn đề đặt ra sau hội thảo này để các hãng lữ hành thiết kế tour, tuyến về Việt Bắc. Trước mắt, Ban tổ chức Chương trình năm nay đã làm được một việc quan trọng là ký Thoả thuận liên kết phát triển tour, tuyến du lịch giữa Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO với đại diện 6 doanh nghiệp lữ hành của 6 tỉnh Việt Bắc.

Đồng thời, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng đã ký thoả thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang; với 3 trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Hà Nội trong việc phát triển tour, tuyến du lịch lên Việt Bắc.

Nhiều giải pháp khai thác tiềm năng phát triển du lịch giữa 6 tỉnh với Thủ đô Hà Nội cũng được các doanh nghiệp du lịch lữ hành nhắc đến, như xây dựng thương hiệu điểm đến của du lịch 6 tỉnh Việt Bắc; bảo tồn, phát huy cảnh quan môi trường sinh thái của 6 tỉnh Việt Bắc trong sự phát triển du lịch bền vững; quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; khai thác giá trị di sản 6 tỉnh Việt Bắc trong định hướng phát triển du lịch…

Nếu được triển khai tốt, những giải pháp này sẽ là cơ sở để hy vọng về bước phát triển mới trên hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” trong những năm tới.

Bà Vũ Bích Liên, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Xúc tiến thương mại Lạng Sơn phân tích, núi rừng Việt Bắc đẹp tươi, với những khu rừng nguyên sinh hoang sơ, những vách đá cao hiểm trở, những vùng hồ mênh mông rộng lớn… nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm đến của những du khách yêu lịch sử, khám phá núi rừng, với những vùng đất đẹp như mơ, gồm Hồ Ba Bể, núi Mẫu Sơn, Thác Bản Giốc, Cao nguyên đá Đồng Văn, Chợ Tình Khau Vai...

Ngoài ra, có thể lập tour du lịch về cội nguồn cách mạng Việt Bắc, du khách tham gia tour này sẽ được về thăm Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên)… Nếu các tour, tuyến được kết nối tốt, hành trình “về nguồn” sẽ là sự lựa chọn của nhiều tổ chức, đoàn thể và du khách trên cả nước.

“Bất cứ du khách nào đến dâng hương tại nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm trong Khu di tích lịch sử Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, qua nén nhang thành kính, trong không khí trang nghiêm giữa núi rừng hùng vĩ, chắc chắn sẽ có những cảm giác hoàn toàn khác lạ với những tour du lịch ở miền xuôi hay vùng biển. Những địa danh như “Thủ đô kháng chiến” Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) hay “Thủ đô gió ngàn” ATK - Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) là điểm đến không thể thiếu cho bất cứ ai say mê “du lịch đỏ”, du lịch về nguồn”, bà Liên nói.

Trong tổng số 34 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước, thì Việt Bắc đóng góp 4 di tích là Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Cùng với đó là các danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn); công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); nghệ thuật hát Then, đàn Tính sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể làm nên một miền di sản phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc, là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch với nhiều loại hình. Nhưng trước hết, Việt Bắc cần những “cây cầu” là các tour, tuyến được các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành xây dựng để dẫn lối cho bước chân lữ khách.

Tin liên quan
Tin khác