Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2016, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt hơn 142.000 nghìn tấn quả tươi. Sản lượng tuy giảm hơn năm 2015, nhưng tiêu thụ thuận lợi, có giá bán cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, nên người dân trồng vải thiều có lãi, doanh thu lớn.
Giá trị xuất khẩu vải thiều toàn tỉnh đạt gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ lên khoảng 5.000 tỷ đồng.
Doanh thu xuất khẩu vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang trong năm 2016 đạt gần 3.000 tỷ đồng. |
Giá bán trung bình toàn tỉnh năm 2016 đạt 21.000 đ/kg, cao hơn 6.000đ/kg so với năm 2015. Giá xuất khẩu trung bình đạt khoảng 28.000 đồng/kg.
Trong cơ cấu thị trường tiêu thụ của trái vải thiều niên vụ 2015, sản lượng tiêu thụ nội địa 50%, xuất khẩu 50%. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc và có thêm các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Hàn Quốc..
Tại thị trường nội địa, năm nay, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp cho trái vải thiều ngay từ đầu vụ..
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2017 đạt tổng diện tích trồng vải thiều 30.000 ha. Phấn đấu tăng 1.000ha diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình tiêu chuẩn VietGap so với năm 2016. Tiếp tục sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGap ở diện tích vải thiều đã được cấp mã vùng.
Năm 2016, với 158 ha vải trồng theo tiêu chuẩn Globalgap có chất lượng đặc biệt, sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn này đạt khoảng 1.000 tấn, đảm bảo tiêu chuẩn cao của các thị trường Mỹ, Australia, EU...
Trong công tác xúc tiến thị trường tiêu thụ, Bắc Giang phấn đấu tăng thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa trong năm 2017 đạt 60% tổng sản lượng toàn tỉnh và tăng dần cho các năm tiếp theo.
Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các thị trường mới. Chú trọng vào xuất khẩu vải thiều chế biến có giá trị gia tăng cao.