Đầu tư
Bạc Liêu chủ động nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Huỳnh Huy - 24/06/2023 10:34
Trong bối cảnh nhiều khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường kết nối giao thông liên kết vùng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương phát triển ổn định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn

Tăng trưởng kinh tế: Top 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáu tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế Bạc Liêu đứng thứ 3 của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (Vùng ĐBSCL) và thứ 19 cả nước, trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 7,16% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm và triển khai thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,44%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6,82%; thu ngân sách tăng 10,8% so cùng kỳ và thực hiện tốt các chính sách an sinh - xã hội trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được 86,58% tổng kế hoạch vốn Chính phủ giao (3.377.035/3.900.656 triệu đồng); vốn Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế mới được Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh chuẩn bị ban hành quyết định phân bổ. Tính đến ngày 30/5/2023 vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu lũy kế giải ngân được hơn 790/3.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,26%, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng, vướng mắc chính là khâu giải phóng mặt bằng.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các sở, ngành, địa phương đề cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, các chủ đầu tư phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, quá trình lập thẩm định, phê duyệt, quản lý, giám sát, thanh quyết toán, nghiệm thu… phải làm nhanh, phải ưu tiên, phải quyết liệt.

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu cần tháo gỡ nhanh chóng, đồng thời rà soát để kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Tăng cường liên kết vùng

Nhìn lại các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh, tuy giữ được tăng trưởng, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 5 tháng tăng 7,10% so với cùng kỳ, xuất khẩu 5 tháng thực hiện đạt 33,79% so với kế hoạch, thay vì phải đạt gần 50% kế hoạch mới mong hoàn thành chỉ tiêu 1 tỷ USD đã đề ra trong năm 2023.

Trước khó khăn này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, công khai, minh bạch. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tính đến tháng 5/2023, Bạc Liêu đã thu hút được 152 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 60.512 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,509 tỷ USD.

Đến nay, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2021 - 2025) qua địa bàn tỉnh dài 7,7 km và nút giao IC8 đã bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công, đó là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt và sự đồng thuận của nhân dân. Hiện chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án này trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiến độ đề ra.

Nhằm tăng cường kết nối vùng ĐBSCL và bán đảo Cà Mau, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã đề xuất Bộ Giao thông -Vận tải phương án đầu tư Dự án Đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, (đoạn từ nút giao IC7 đến đê biển Bạc Liêu), với tổng mức đầu tư khoảng 22.737 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn I là trên 16.307 tỷ đồng. UBND tỉnh Bạc Liêu  cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là cơ quan đầu mối tiếp tục tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đối với các đoạn còn lại thuộc tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu sẽ đầu tư theo hình thức PPP.

Cùng với trục ngang Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa phát lệnh khởi công, việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, trong đó đoạn từ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến đê biển Bạc Liêu sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, kết nối các tuyến cao tốc trục dọc với trục ngang, nâng cao năng lực khai thác và hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tạo vùng không gian mới, động lực mới phát triển và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt qua khó khăn thử thách, nhất là chuỗi sản xuất nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Chương trình Hành động 39 về triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Tiếp tục tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Trọng tâm là triển khai hiệu quả thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị được yêu cầu chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được giao năm 2023.

Song song đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. 

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 07/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu.

Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Quan tâm phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin liên quan
Tin khác