Tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức tại Cần Thơ chiều ngày 10/6 vừa qua, các chuyên gia, diễn giả tham dự đã đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá toàn cảnh về hạ tầng, phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với các tỉnh phía Nam.
Nhiều bài tham luận được đưa ra thảo luận tại chương trình nhằm đóng góp vào những chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, Ban, ngành; hoàn thiện xây dựng hệ thống hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch phát triển đô thị. Tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.
Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhận định, trong thời gian qua, đất nước đang tích cực "trả nợ" cho ĐBSCL.
Ông Thiên cho rằng, để "trả nợ", điều quan trọng cần nhận diện lại tương lai của ĐBSCL, bởi xưa nay vẫn mặc định đây là vùng đảm bảo an ninh lương thực, vùng phát triển thuỷ, hải sản, trái cây. Hơn nữa, từ những lợi thế trước đây về đất, nước, khí hậu, biển, thì nay, nhiều vấn đề đã trở thành yếu tố bất lợi khi có biến đổi khí hậu.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn |
Ông Thiên cũng nêu, vai trò, sứ mệnh của ĐBSCL là rất lớn, nhưng tại sao người dân vẫn nghèo so với trung bình chung cả nước. Thậm chí, vai trò trong nền kinh tế đang bị suy giảm nhiều.
"Tại sao gánh vác sứ mệnh cho quốc gia mà lại nghèo, lại khổ, vất vả thế. Tôi nghĩ cần nhiều cuộc họp, diễn đàn như thế này để "đánh động" nhiều hơn nữa", ông Thiên nêu.
Kết quả thực tế cho thấy, quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ tăng GRDP chậm dần, thấp hơn trung bình cả nước, do duy trì sản xuất lương thực truyền, chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất lao động cao hơn. Mặc dù giai đoạn 2010 - 2019 có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, với tỷ trọng nông nghiệp giảm nhanh, cơ cấu công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ thay đổi nhanh. Nhưng tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm dần, khó có khả năng bắt kịp xu hướng cơ cấu kinh tế cả nước. Tốc độ tăng dân số chậm do di cư ra ngoài lớn.
Những năm gần đây, Vùng ĐBSCL nỗ lực tuyệt vời. PCI của các tỉnh ĐBSCL tăng rõ rệt trong 7 năm gần đây. Điểm PAR Index trung bình của ĐBSCL năm 2018 đạt 76,81 điểm, chỉ đứng sau Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Nhưng lực lượng doanh nghiệp ở ĐBSCL yếu, chậm phát triển.
Thủ tướng cho phép làm cao tốc là đột phá mạnh. Bố trí lại đô thị và vùng sản xuất. Hy vọng đầu tư Nhà nước tăng để tạo nền tảng tốt cho phát triển vùng. Sứ mệnh mới, vị thế chiến lược mới: Giữ đất, giữ nước, bảo tồn lãnh thổ, bảo vệ các điều kiện tự nhiên - nguồn lực phát triển cơ bản của quốc gia trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Vùng trong giai đoạn mới.
Để phát triển bền vững, vùng cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới; cần tăng cường năng lực “chống chịu” nguồn lực để bảo vệ đất nước và an toàn cuộc sống. Ưu tiên bậc nhất: Để giữ đất, giữ nước và để “thuận thiên”.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Đô thị hóa đang cần nhiều vật liệu, các con sông bị ảnh hưởng do khai thác cát. Do đó cần xây dựng hạ tầng tính đến bảo tồn để ĐBSCL phát triển bền vững, xứng tầm. Tầm nhìn dựa trên hai giải pháp chiến lược chính: Quản lý thách thức và tạo giá trị. Phát triển Vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững; hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực; Tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái...