Bạc Liêu đang hướng đến trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. |
Kịp thời giải quyết khó khăn của doanh nghiệp
Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của Bạc Liêu. Các ban, ngành của tỉnh đã thực hiện điều tiết đủ nước mặn cho thị xã Giá Rai, huyện Phước Long và Hồng Dân để phục vụ nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2024; thực hiện công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai mở rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tỉnh thực hiện hiệu quả 4 mô hình: giảm chí phí sản xuất và nâng cao hiệu quả canh tác lúa; trồng rau an toàn gắn với cấp mã số vùng trồng; trồng thử nghiệm một số giống bắp mới cho năng suất và giá trị cao; hỗ trợ cộng đồng xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ…
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Bạc Liêu cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường truyền thống. Luỹ kế 9 tháng, xuất khẩu 70.321,63 tấn thủy sản, tăng 5,66% so cùng kỳ; may mặc ước đạt 8,92 triệu sản phẩm; nông sản ước đạt 4.317,08 tấn... Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu là 745,46 triệu USD, đạt 64,35% kế hoạch, tăng 9,13% so cùng kỳ
Công tác xây dựng cơ bản luôn được quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã giao và thông báo vốn đến các chủ đầu tư ngay từ đầu năm và điều chỉnh vốn kịp thời, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức nhiều Tổ công tác khảo sát, kiểm tra thực địa, lắng nghe các chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo tình hình để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Tổ công tác đã đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Xây dựng đường dẫn vào cầu Giá Rai mới; hỗ trợ UBND huyện Đông Hải di dời chợ cũ Gành Hào vào Trung tâm thương mại Gành Hào; kiểm tra, đánh giá dự án khẩn cấp để xử lý hố xói và gia cố lòng sông thuộc phạm vi công trình cảng cá Gành Hào, dự án tuyến đê biển; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (huyện Hòa Bình)…
Nhờ vậy, tính đến ngày 18/9, vốn đầu tư công năm 2024 của Bạc Liêu giải ngân được 1.421,435/3.655,092 tỷ đồng, đạt 38,89% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý III ước thực hiện 9.436,464 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng là 24.073,504 tỷ đồng, đạt 55,09% kế hoạch, tăng 7,7% so cùng kỳ.
Phấn đấu tăng trưởng 9-10%
Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 9-10%, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương, kịp thời xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, làm tiền đề cho hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung vào những công tác trọng tâm sau:
Các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024.
Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, gắn với đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được giao năm 2024.
Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp, xây dựng lịch thời vụ chi tiết cho từng địa bàn cụ thể. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược Phát triển kinh tế biển; các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tập trung xây dựng và phát triển nhiều vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 7/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia.
Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực như: Dự án Điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW), Dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50 MW) và các dự án nguồn điện và lưới điện khác đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác xúc tiến để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch (quy hoạch đô thị với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh). Bảo đảm đồng bộ quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để xây dựng, phát triển đô thị. Phấn đấu xây dựng TP. Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; xây dựng thị xã Giá Rai trở thành thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; xây dựng huyện Hòa Bình thành thị xã. Hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh việc phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị tại các khu vực dân cư hiện trạng, đáp ứng yêu cầu quản lý kiến trúc đô thị và trật tự xây dựng.
Đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đô thị. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và sang các thị trường lớn, tiềm năng, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch
Tỉnh Bạc Liêu cũng rất chú trọng việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. UBND tỉnh thường xuyên theo dõi sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế -xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, bảo đảm nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, tập trung các dự án cấp bách.
Đẩy nhanh hơn nữa công tác thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thẩm định dự án; xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (như kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ IA, nâng cấp đê Biển Đông và hệ thống cống qua đê, các tuyến đường: đê Biển Đông, Ninh Quới - Ngan Dừa, Phó Sinh - Cạnh Đền, Phước Long - Ba Đình, cầu Ranh Ninh Quới...).
Bên cạnh đó, tỉnh khẩn trương hoàn thành công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo tinh thần Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Tỉnh Bạc Liêu đề nghị các chủ đầu tư phải lập phương án triển khai dự án ngay từ đầu để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời theo quy định. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới cuối năm 2024, hoàn thiện các thủ tục, các khối lượng công việc còn tồn đọng để xử lý dứt điểm. Thực hiện nghiệm thu đối với những khối lượng hoàn thành theo quy định, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không để dồn thanh toán đến cuối năm.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo giải ngân 100%, không thực hiện chuyển nguồn sang năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, Bạc Liêu sẽ tập trung tăng cường công tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động nguồn lực để đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai…) theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch, công khai.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách; kiên quyết xử lý đối với công trình, dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ thực hiện dự án hoặc không triển khai thực hiện dự án như đã cam kết của các chủ đầu tư.