Phó thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các nhà đầu tư. Ảnh: Baobaclieu |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, với vị trí nằm cặp theo bờ biển Đông, có 3 vùng sinh thái mặn - ngọt - lợ, trong đó, đất nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích, nên Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển, trực tiếp là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa.
Đây là tiền đề để Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, Bạc Liêu cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Với bề dày truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, gắn với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ, với giai thoại chàng Công tử Bạc Liêu hào hoa, phóng khoáng.
Bạc Liêu có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó hòa quyện của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với các điểm du lịch nổi tiếng như: Nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán âm Phật đài, chùa Xiêm Cán, Nhà thờ Tắc Sậy, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió trên biển... là những lợi thế đặc biệt, riêng có của du lịch Bạc Liêu, hiện đang trên đà phát triển rất tốt, là tiền đề đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bạc Liêu có vị trí địa lý nằm giữa, cách trung tâm các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng trong phạm vi bán kính 60 km, là khu vực có dân số khá đông, đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và đồng đều, nên Bạc Liêu cũng đã xác định vị trí trung tâm trong khu vực Tiểu vùng bán đảo Cà Mau để cùng nhau liên kết, phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Với quan điểm phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn mời gọi các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương, đã giúp cho hình ảnh của Bạc Liêu nâng lên rất tốt, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, ủng hộ.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và sẽ được hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm “việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”, là động lực và lời nhắn gửi chân tình đến với doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư vào Bạc Liêu.
Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: baobaclieu |
Với chủ đề: “Bạc Liêu - tiềm năng và khát vọng phát triển”, Hội nghị đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các đại biểu trong, ngoài tỉnh tham dự. Qua hội nghị, bước đầu đã có 12 dự án được cấp phép đầu tư, 10 dự án trọng điểm được công bố thông tin mời gọi hợp tác đầu tư, với tổng mức đầu tvới tổng mức đầu tư dự kiến là 182.000 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến sự thay da đổi thịt, sức sống mới trong phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu. Đây là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư. Phó thủ tướng nhìn nhận tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy, đề nghị tỉnh cần nắm chắc xu thế, đánh giá hết các khó khăn, chủ động biến khó khăn thành cơ hội sẽ thành công, phát triển.
Phó thủ tướng bày tỏ sự đồng tình khi Bạc Liêu xác định tập trung 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, tránh từng giai đoạn. Đồng thời yêu cầu Bạc Liêu đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, lắng nghe tâm tư của nhà đầu tư, là vùng đất lành của nhà đầu tư, từ đó lan tỏa cho nhiều nhà đầu tư khác đến với Bạc Liêu tạo ra xung lực mới, động lực mới để không chỉ phát triển Bạc Liêu mà còn góp phần cùng vùng bán đảo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
"Khi thấu hiểu và biết lắng nghe, chia sẻ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thì Bạc Liêu mới dám mạnh dạn và tự tin hơn để mời gọi và đồng hành cùng nhà đầu tư, xem đó chính là thước đo và cam kết thực chất của điạ phương để tạo dựng niềm tin đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư", Phó thủ tướng nhấn mạnh.