Khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh
Với ổ dịch Bắc Ninh, phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn chiều tối ngày 29/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỉnh vẫn cần phải quyết liệt hơn, vì số khu công nghiệp của Bắc Ninh cũng như công nhân nhiều hơn Bắc Giang.
Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vắc-xin, Bộ Y tế sẽ ủng hộ và chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng. |
Bắc Ninh có đến 400.000 công nhân trong đó hơn 200.000 người đến từ 63 tỉnh, thành phố. Do vậy Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh cần bảo vệ công nhân trong suốt quá trình từ nơi ở, khi di chuyển và tại các nhà máy.
“Bảo vệ các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt để kiểm soát tình hình dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đối với một số khu nhà lưu trú có tập trung đông công nhân nếu có ca nhiễm thì lập tức áp dụng thiết chế cách ly tập trung, đảm bảo tối đa an toàn, không cho ra khỏi phòng và xử lý nghiêm vi phạm; giảm mật độ ở những khu này theo hướng 50% đi làm, 50% ở nhà.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay các đơn vị sản xuất test nhanh đang nỗ lực nâng cao năng lực, hiện khoảng 150.000 test/ngày, trong khi nhu cầu thì nhiều. Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh về Việt Nam.
Về khó khăn của địa phương liên quan việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã công khai giá các mặt hàng chống dịch, nên tỉnh Bắc Ninh cần tham khảo để thực hiện mua sắm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thường vụ tỉnh Bắc Ninh cần quyết định vấn đề liên quan đến mua sắm test nhanh Covidd-19 vì nếu đấu thầu thì sẽ khó khăn và lâu. Bộ Y tế sẽ cấp thêm cho địa phương nhưng cũng khó đáp ứng đủ vì nhiều địa phương có nhu cầu.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin qua kiểm tra một số nhà máy trong các khu công nghiệp, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp tự lấy mẫu. Bộ Y tế đã có video hướng dẫn nên chỉ cần làm 1-2 lần là thực hiện tốt.
Về xét nghiệm PCR, Bộ trưởng nêu rõ không lo thiếu. Tuy nhiên, tỉnh cần kết hợp vừa xét nghiệm test kháng nguyên nhanh vừa xét nghiệm gộp mẫu mới làm nhanh được.
Với vấn điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã tiếp tục giao các bệnh viện trung ương đảm bảo tối đa nhân sự hồi sức tích cực (ICU) cho Bắc Ninh. Tỉnh cũng cần xây dựng phương án có 5.000 ca mắc để chủ động ứng phó.
Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vắc-xin, Bộ Y tế sẽ ủng hộ và chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng.
Về nguồn cung vắc-xin cho tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm ngoài 150.000 liều vắc xin đã cấp cho tỉnh, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, sáng 29/5, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa.
Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định sẽ nỗ lực trong vòng 7 ngày phải tiêm xong 200.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 tại mỗi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Sáng kiến công nghệ phục vụ chống dịch tại Bắc Giang
Với tâm dịch Bắc Giang, trong căng thẳng đã có nhiều sáng kiến nhằm cải thiện các khâu còn bất cập. Và một trong số đó là mẫu phiếu điện tử thu thập thông tin các khu cách ly tập trung do Tổ giám sát cách ly, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đưa ra, vốn “xuất thân” từ mẫu phiếu thu thập thông tin cộng đồng của những nhà nghiên cứu.
Hiện nay ở Bắc Giang có khoảng hơn 200 khu cách ly tập trung, trong số đó 174 khu cách ly đang hoạt động. |
Theo đó, ngày 26/5/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra công văn số 2429/UBND-KTTH để siết chặt lại việc quản lý, vận hành các khu cách ly tập trung.
Đáng chú ý UBND tỉnh yêu cầu những người quản lý các khu cách ly phải thực hiện báo cáo thông tin hàng ngày theo mẫu phiếu điện tử tại địa chỉ https://ee.kobotoolbox.org/x/xRoqPfBA gửi về các phòng y tế huyện để CDC tỉnh Bắc Giang tổng hợp xử lý.
Đây là một trong những khâu thông tin rất cần thiết mà tổ cách ly thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã tham mưu, đề xuất cho tỉnh Bắc Giang những ngày dịch nóng bỏng.
Về lợi ích của việc này, theo chuyên gia, trước khi có mẫu phiếu điện tử, người quản lý đều dùng bản báo cáo viết tay, phải điền khá nhiều thông tin nên khi nhân viên khu cách ly bận rộn, mệt mỏi, liên tục xuất hiện tình trạng nơi có, nơi không, khiến cho việc tổng hợp báo cáo hàng ngày vô cùng vất vả và lộn xộn. Mẫu phiếu điện tử đã khắc phục toàn bộ những nhược điểm này.
Ths.BS. Nguyễn Minh Hoàng, nghiên cứu viên Bệnh nghề nghiệp của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, người trực tiếp phụ trách kỹ thuật, hỗ trợ và chuyển giao mẫu phiếu thông tin điện tử cho CDC Bắc Giang cho biết anh đã cài đặt sẵn tất cả những trường thông tin theo chỉ đạo cần báo cáo, người quản lý chỉ việc chọn và điền con số mới nhất.
Ngoài ra, có riêng một ô ghi thêm những đề xuất, kiến nghị về những gì người quản lý khu cách ly thấy cần thiết. Họ chỉ mất 2-3 phút, và có thể sử dụng mọi thiết bị như smartphone, laptop, ipad… chỉ cần có sóng 3G là đã hoàn tất phiếu.
Các mẫu phiếu đã bao gồm đủ mọi thông số cần nắm bắt như sức chứa khu cách ly, số phòng, số người/phòng, số ca dương tính, số lần đã xét nghiệm, số người ra, vào trong ngày.
Thậm chí thông tin cụ thể hơn như các đối tượng cách ly là trẻ em hay người lớn, công nhân hay người địa phương, người nước ngoài, làm việc trong hay ngoài tỉnh.
Không chỉ có vậy, thông qua mẫu phiếu này, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh còn có thể nắm bắt được các thông tin cụ thể về số lượng cán bộ, nhân viên y tế đang phục vụ tại mỗi khu cách ly.
Theo đại diện Bộ Y tế, thực chất các module sử dụng trong phiếu này xuất phát từ phần mềm KoboToolbox, phục vụ thu thập thông tin của các chuyên gia viện trợ và nhà nghiên cứu. “Đây là phần mềm mã nguồn mở, từ đó tôi có thể thay đổi các thông tin cần thu thập theo chỉ đạo của Tổ giám sát cách ly”, TS. Hoàng cho hay.
Nói về lợi ích của cách làm mới, TS. Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, việc tổng hợp dữ liệu từ những báo cáo này cũng giúp CDC tỉnh Bắc Giang dễ dàng quản lý, nắm bắt đầy đủ thông tin, từ đó tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang đưa ra những điều chỉnh cần thiết như giãn mật độ, sắp xếp, bố trí trang thiết bị, cải thiện những khâu còn bất cập…
Một vấn đề khác là tới đây trong tỉnh có hàng trăm công ty, doanh nghiệp muốn trở lại hoạt động. Việc tỉnh thành lập 35 tổ đi đánh giá có thể chỉ là giải pháp trước mắt và khó duy trì lâu dài khi số lượng doanh nghiệp lớn như vậy.
Được biết, tổ giám sát cách ly thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để đưa ra những mẫu phiếu đánh giá điện tử nhằm để các doanh nghiệp kê khai nhanh và đầy đủ các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ vào đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang sẽ nắm bắt được nhanh và đưa ra những điều chỉnh, điều tiết kịp thời, phù hợp.
“Chúng tôi sẽ hoàn thiện và đề xuất, tham mưu cho tỉnh Bắc Giang trong vấn đề này. Đây là những mẫu phiếu báo cáo điện tử mới xuất hiện trong tình huống cấp bách phòng chống dịch ở Bắc Giang, nhưng hoàn toàn có thể áp dụng đại trà trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương khác nhau”. TS. Trung cho biết thêm.