Đây là quan điểm của ĐBQH tỉnh An Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viên ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu trao đổi với phóng viên Infonet bên hành lang Quốc hội sáng nay 19/6. |
Tính chất răn đe luật pháp còn chưa cao
Trước đó vào ngày 17/6, Lãnh đạo BV Thể thao Việt Nam xác nhận đầu giờ chiều cùng ngày một bác sĩ của bệnh viện đã bị hai đối tượng lao vào hành hung ngoài cổng bệnh viện. Sau đó hai đối tượng này tiếp tục lôi bác sĩ vào trong để hành hung tiếp rồi bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi. BS này bị đánh vào vùng mặt, thái dương và gáy, hiện đang nằm điều trị tại BV 198 và chờ kết quả giám định thương tích. Được biết 1 trong 2 đối tượng côn đồ là bố 1 bệnh nhi đang điều trị tại BV.
Trải lòng về câu chuyện bác sĩ bị hành hung, ĐB Lân Hiếu tỏ ra không ngạc nhiên bởi ông cho rằng, tình trạng này không thể kết thúc được, thậm chí có xu hướng gia tăng. Theo đó, tính từ năm 2016 đến nay, tại bệnh viện Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp, bắt quả tang. Bệnh viện Thanh Nhàn, trong vòng một năm 2016 có 8 nhân viên y tế bị hành hung.
“Những con số đấy thực ra rất nhỏ so với thực tế, hiện nay có rất nhiều nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích và không được báo cáo thống kê. Đã có nhân viên y tế bị hành hung, gây thương tích nghiêm trọng, có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ, giết người. Sở dĩ tình trạng này không thể kết thúc bởi chúng ta chưa thay đổi được cái gì, tôi đã từng nói trước diễn đàn QH cần ít nhất một điều luật trong Bộ Luật hình sự để chống lại sự bạo hành y tế ngày càng gia tăng. Nhưng rất tiếc, điều này chưa được đưa vào Luật”- ĐB Lân Hiếu chia sẻ.
Theo đó, không thể không phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế, các địa phương, Bộ Công an đã có những việc làm để củng cố an ninh trong bệnh viện như cắt cử các chiến sỹ công an túc trực 24/24h giờ, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động. Các bệnh viện lớn tập huấn các bộ phận chức năng trong việc phòng, chống, bạo hành y tế. Tuy nhiên, ĐB Lân Hiếu cho rằng, tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao dẫn đến hầu hết hậu quả, rất nhiều vụ bạo hành y tế ngày càng gia tăng.
“Xã hội cần lên tiếng cho việc ra đời một điều luật để ít nhất ngăn chặn sự việc khi người ta định giơ tay đánh bác sĩ, định hành hung cán bộ y tế thì người ta nghĩ đến việc sẽ bị rơi vào điều luật tăng nặng thì người ta sẽ chùn tay, như vậy sẽ hạn chế được phần nào vấn nạn này. Chỉ khi bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác mới là phương pháp tốt nhất để người bệnh có sự chăm sóc chu đáo và đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị”- ĐB Lân Hiếu nêu.
Sự việc phản cảm, đau đớn
Trở lại câu chuyện mới xảy ra tại BV Thể thao Việt Nam, ĐB Lân Hiếu cho biết, chưa kịp gọi điện cho Giám đốc Bệnh viện - cũng là ban học cùng lớp nên chưa có thông tin chính xác, vì thế không thể đưa ra nhận xét đúng hay sai.
“Tuy nhiên, nếu đúng theo những thông tin trên báo chí thì việc đánh bác sĩ rồi bắt bác sĩ quỳ xuống thì tôi thấy hết sức phản cảm, đau đớn… Về nguyên tắc, trước mỗi sự việc như này xảy ra, xã hội sẽ nói câu “không có lửa làm sao có khói”. Cái đó không phán xét được vì trong cuộc sống không thể tránh khỏi những va chạm. Nhưng những va chạm ấy có đáng đến mức người ta phải hành xử như thế không? Theo tôi mọi lý giải không thể nào biện minh được hành vi đánh người đang cứu chữa bệnh cho người thân trong gia đình mình”- ĐB Lân Hiếu nhấn mạnh.
ĐB Lân Hiếu cũng chia sẻ thêm, trên thế giới, theo tìm hiểu một số quốc gia đã có Luật phòng, chống bảo hành nhân viên y tế, tiêu biểu là luật của bang Maharashtra Ấn Độ ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2009 cho thấy luật của họ tương đối đơn giản, ngắn gọn mới có 8 điều khoản và có tổng cộng 3 trang giấy khổ A4, nhưng rất dễ hiểu.
Các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với hành vi bạo hành các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù trang thiết bị tài sản của các cơ sở y tế bị phá hoại".
Với tính thời sự cấp bách để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của cán bộ nhân viên y tế, những người đang ngày đêm trực tiếp làm công việc cứu chữa bệnh nhân, ĐB Lân Hiếu đề nghị Quốc hội có một lộ trình xem xét thảo luận để ban hành Luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản đối với các cơ sở dịch vụ y tế hoặc ít ra cũng cũng có điều khoản trong điều luật Bộ luật hình sự đang được chỉnh sửa.
“Ví dụ, trong Điều 134 có quy định bảo vệ các tình trạng tăng nặng cho các đối tượng như người nuôi dưỡng, thầy cô giáo. Tuy nhiên, không có quy định rõ ràng nếu gây tổn hại đến người chăm sóc mình hằng ngày thì hình phạt đấy chưa được quy định” – ĐB Lân Hiếu nêu.