Cùng bệnh nhân Covid-19 chiến đấu, chiến thắng kẻ thù là sứ mệnh, trách nhiệm của những chiến binh “blouse trắng”, nhưng đó không phải là một nhiệm vụ duy nhất. Thời điểm hiện tại họ phải đảm đương nhiều những công việc có tên hoặc không tên trong hành trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Không chỉ chống dịch Covid-19 thời điểm này rất nhiều y, bác sĩ trở thành những người “nhiều tay” |
Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra ở diện rộng, bệnh nhân tăng cấp số nhân, số ca trở nặng gia tăng tạo áp lực lớn cho công tác điều trị.
10 ngày trước, Việt Nam mới vượt qua mốc 30 nghìn ca nhiễm và giờ đây, con số này hơn đã vượt qua mốc 71 nghìn. Riêng số ca nhiễm đợt dịch thứ tư là hơn 67 nghìn ca.
Cả nước hiện có gần 60 nghìn bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 123 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 18 ca nguy kịch phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Các tỉnh, thành phố phía Nam đang phải chịu gánh nặng lớn từ công tác điều trị khi tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ ô-xy, ô-xy mask, ô-xy dòng cao (HFNC), ECMO... ngày càng tăng.
Riêng tại tâm dịch nóng nhất cả nước là TP.HCM luôn vượt 4.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở ô-xy, thở máy cũng tăng lên.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 370 tử vong, trong đó riêng số ca tử vong trong đợt dịch thứ tư là hơn 200 ca. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ tử vong Việt Nam hiện giờ khoảng 0,5% và còn cao hơn nữa ở một số địa phương.
"Tỷ lệ này đang gia tăng, tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới nên đòi hỏi phải tập trung hơn nữa cho công tác điều trị bệnh nhân nặng", lãnh đạo ngành Y tế nêu.
Trước áp lực số bệnh nhân Covid-19 không ngừng gia tăng tại TP.HCM, với hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị và ngành Y tế TP cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 59.000 giường để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1000 giường bệnh cần tương đương khoảng 2000 nhân sự, thì với con số hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay sẽ cần một con số nhân lực khổng lồ có thể lên đến 70.000 người.
Đó là chưa kể các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch thì trung bình 1 bệnh nhân sẽ cần từ 3 nhân viên y tế trở lên để tham gia chăm sóc, điều trị.
Để đảm bảo nhân sự phục vụ cho công tác điều trị tại TP.HCM, ngành Y tế TP đã huy động tổng lực nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện;
Song song đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân Y 175…
Thêm vào đó là lực lượng chi viện từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên tại một số cơ sở vẫn trong tình trang khan hiếm nhân lực.
Về vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều trị, TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từng chia sẻ, để đưa vào hoạt động ngay một bệnh viện hồi sức với quy mô 1.000 giường là điều không thể, do đó Bệnh viện sẽ tiến hành nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch theo từng giai đoạn.
Bên cạnh việc tập trung tổng lực công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ngành Y tế vẫn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ song hành trong công tác phòng chống dịch cũng như công tác chăm sóc sức khỏe thường nhật của người dân.
Cũng lo lắng về việc nhân viên y tế bị quá tải, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngành Y tế Đồng Nai tiếp tục tìm thêm giường bệnh, dự kiến đến hết tuần này, sẽ có khoảng thêm 1.000 giường nữa, đưa số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh này lên 4.000 giường.
Tuy nhiên, điều ông Vũ lo lắng nhất hiện nay là thiếu nhân lực y tế. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 8 ngàn nhân viên y tế, trong khi dịch bệnh có thể còn kéo dài, lực lượng nhân viên y tế phải căng mình làm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Vì vậy, theo tính toán của Sở Y tế Đồng Nai để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh này cần 309 bác sĩ của các chuyên khoa: Nội, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, tim mạch, nội tiết, sản, chẩn đoán hình ảnh và đa khoa, ước khoảng 250 bác sĩ. Riêng lực lượng điều dưỡng là 695 người chưa kể kỹ thuật viên y tế.
Được biết, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều động 100 nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm, bệnh viện còn bố trí lực lượng phục vụ Bệnh viện Dã chiến số 2 nên hoạt động của Bệnh viện lúc nào cũng bận rộn.
Bộ Y tế đã kêu gọi hàng nghìn cán bộ y tế cùng "chia lửa" với chiến tuyến nóng bỏng tại các tỉnh, thành phố phía Nam ở trên nhiều mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị, tiêm chủng.
Tại tuyến đầu điều trị, hàng nghìn chiến sĩ áo trắng vẫn đang làm việc gấp 2, 3 lần sức lực, chiến đấu ngày đêm vì sự sống của người bệnh.
Để đối phó với diễn biến dịch phức tạp, tăng nhanh ca bệnh nặng, Bộ Y tế cũng đã ttính đến tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng với đề án xây dựng 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền.