Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất ô-xy-PV) cho biết, ngay từ khi tình hình dịch bệnh chưa trở nên phức tạp, Ban giám đốc Công ty đã định hướng đây đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần phải bảo vệ tối đa chuỗi sản xuất.
Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế thăm và kiểm tra sản xuất cung ứng nguồn oxy y tế tại Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam Singapore I, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. |
Do đó, cách đây 4 tuần, ban giám đốc công ty đã triển khai phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Cụ thể, công ty chia thành 2 khối nhân lực chính, bao gồm 14 lái xe phụ trách phân phối ô-xy y tế đến các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận;
8 công nhân trực tiếp sản xuất, 4 kỹ thuật và một số nhân sự văn phòng hành chính. 2 khối nhân sự trên đã được bố trí chỗ ăn, ở riêng tách biệt.
Tất cả nhân viên được test Covid-19, 3 ngày một lần. Song song đó công tác quản lý người lao động ra vào công ty được xiết chặt và được quán triệt các biện pháp 5K trong phòng chống dịch bệnh.
Với các giải pháp trên, đến nay, trong công ty chưa có F0, chuỗi sản xuất vẫn đảm bảo. Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 500 bình ô-xy.
Hệ thống phân phối ô-xy của công ty hiện cung cấp cho các cơ sở y tế ở Bình Dương, TP.HCM, và các tỉnh miền Tây: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ.
Hiện tại, ngoài công suất mỗi ngày 500 bình ô-xy, trong kho của công ty đang dự trữ khoảng 20 khối ô-xy lỏng, 100-200 chai ô-xy (2 loại dung tích 6 m³ 11 m³).
Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, công ty sẽ tiếp tục nâng cao công suất lên gấp 2 lần so với hiện nay (tức 1.000 bình ô-xy mỗi ngày) để đảm bảo cung cấp đủ lượng ô-xy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành.
Về phương án cung ứng khí ô-xy phục vụ công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19, ngoài việc cung ứng ô-xy dạng chai, công ty đã nhập khẩu 2 bồn ô-xy lớn dung tích 20 m³ và 15 m³.
Dự kiến, 2 bồn ô-xy này sẽ lắp đặt tại các Trung tâm hồi sức Covid-19 hoặc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Để công nhân, người lao động yên tâm lao động, duy trì sản xuất, ông Nguyễn Văn Phương đề xuất được Bộ Y tế và địa phương hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người lao động trong công ty.
Về phía Bộ Y tế, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã động viên tinh thần đối với công nhân, người lao động để quyết tâm giữ vững sản xuất.
Ngoài ra, Dương Chí Nam đề nghị các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phòng cháy chữa cháy cần được kiểm tra, giám sát liên tục.
Đối với đề xuất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người lao động tại đây, đoàn sẽ báo cáo với Tổ trưởng Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và có những đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Covid-19. Ngành Y tế đang trưng dụng các cơ sở giáo dục để triển khai thành các cơ sở thu dung điều trị Covid-19.
Tổng số giường điều trị hiện có khoảng 2.500 giường. Mới đây, tỉnh đã khai trương Bệnh viện dã chiến với quy mô 1.500 giường, ngày 20/7, sẽ đi vào hoạt động, nâng công suất giường điều trị Covid-19 lên 4.000 giường.
Ngàng Y tế cũng đang tiếp tục khảo sát và xây dựng các phương án nâng công suất giường điều trị.