Y tế - Sức khỏe
Bác thông tin Covid-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ gây ra đông máu
D.Ngân - 15/07/2021 18:43
Bộ Y tế vừa bác bỏ thông tin đang lan truyền với nội dung Covid-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Theo Bộ Y tế, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp về một nghiên cứu của Singapore cho rằng Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người, là sai sự thật.

Bộ Y tế vừa bác bỏ thông tin đang lan truyền với nội dung Covid-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Ảnh: Duy Hiệu

Cụ thể, nội dung tin nhắn này nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu.

Về những nội dung này, Bộ Y tế khẳng định không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Trước đó, một số trang mạng cũng đưa bài viết có nội dung cho rằng Covid-19 không phải là virus, mà là một loại vi khuẩn được phóng xạ và giết người do nhiễm độc máu. 

Covid-19 được phát hiện có tác dụng làm đông máu, gây đông máu ở người và gây tắc nghẽn động mạch, khiến bệnh nhân khó thở do phổi, tim và phổi không nhận được oxy, dẫn đến tử vong nhanh chóng. 

Qua đó đã kêu gọi người dân chia sẻ thông tin này với gia đình, hàng xóm, người quen, bạn bè và đồng nghiệp việc bệnh nhân Covid-19 nên uống Asprin 100 mg và Apronik hoặc Paracetamol 650 mg.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh, Bộ Y tế vừa có tờ trình Thủ tướng về việc ban hành chỉ thị tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn, với gần 30.000 ca mắc và 125 ca tử vong. Giai đoạn 4 từ ngày 27/4 đến nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn và làm tăng bệnh nặng hơn so với 3 đợt dịch trước.

Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư. Giai đoạn dịch thứ 4 đã ghi nhận gần 27.000 ca, 90 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân khách quan do biến chủng vi rút mới Delta có khả năng lây lan nhanh, mạnh, không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây rộng theo chùm, qua không khí. Dịch bệnh tại các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng có diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao.

Nguồn lây do mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Trong khi một số cơ sở y tế và khu công nghiệp có sơ hở, lỏng lẻo trong thực hiện và giám sát phòng, chống; một số người dân trong các khu cách ly, phong tỏa chưa thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, không tụ tập đông người.

Ngoài ra, các địa phương chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động ăn ở, làm việc tập trung nên bị động, lúng túng trong chống dịch thời gian đầu. Nhiều người dân và một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có một số biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là sau khi kiểm soát tốt đợt dịch thứ 3.

Tin liên quan
Tin khác