Công ty BaF Việt Nam thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng phát hành thêm 7.176.000 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong quý I đến quý II/2024.
Trong đó, đối tượng được mua ưu đãi là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, nhân sự chủ chốt của Công ty và Công ty con.
Công ty BaF Việt Nam cho biết thêm cổ phiếu ESOP chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, sau 1 năm phát hành, lãnh đạo có thể bán trực tiếp ra bên ngoài.
Được biết, cổ phiếu BAF đang giao dịch trên sàn với giá 26.000 đồng/cổ phiếu (ngày 19/1/2024).
Như vậy, Ban lãnh đạo và nhân viên chủ chốt của Công ty BaF Việt Nam sẽ được mua hơn 7,1 triệu cổ phiếu ESOP với giá thấp hơn 61,5% so với giá thị trường đang giao dịch.
Ngược lại, đối với cổ đông, ngày 8/12/2023, Công ty thông qua việc gia hạn thời gian thực hiện phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo Tờ trình đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 8/5/2023 đến quý II/2024; thông qua việc gia hạn thời gian thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2023 (ESOP) đã thông qua ngày 8/5/2023, kéo dài đến quý II/2024.
Được biết, ngày 8/5/2023, Công ty BaF Việt Nam thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023, tỷ lệ 17% (khoảng 24,4 triệu cổ phiếu), thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (tối đa ngày 8/11/2023).
Như vậy, Công ty BaF Việt Nam đã kéo dài thời gian trả cổ tức năm 2022 từ năm 2023 sang năm 2024, trễ hơn so với kế hoạch thông qua đầu năm 2023.
Quý III/2023, lợi nhuận BaF Việt Nam giảm 74,6% về 40,06 tỷ đồng
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.218,99 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 40,06 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11,2%, lên 11,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 33,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 72,34 tỷ đồng, về 143,25 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 750,8%, tương ứng tăng thêm 38,89 tỷ đồng, lên 44,07 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,4%, tương ứng tăng thêm 5,88 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 11,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 14,28 tỷ đồng, tức giảm 25,89 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý III, mặc dù lợi nhuận gộp đã lao dốc và hụt lợi nhuận khác, Công ty BaF Việt Nam còn tiếp tục ghi nhận chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, điều này dẫn tới lợi nhuận giảm tới 74,6%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.625,42 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 52,84 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ.
Được biết, trong năm 2023, Công ty BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 52,84 tỷ đồng, Công ty BaF Việt Nam mới hoàn thành 17,5% so với kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch.
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam còn tiếp tục mô hình thâm hụt vốn khi mà dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 36,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 240,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.009,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 965,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và mở rộng đầu tư.
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, trước đó năm 2022, Công ty BaF Việt Nam đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 269,4 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty cũng đã có hai năm dòng tiền âm, năm 2018 ghi nhận âm 1.175,87 tỷ đồng và năm 2019 ghi nhận âm 230,48 tỷ đồng.
Tiếp tục tăng thêm 819,37 tỷ đồng nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2023
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Công ty BaF Việt Nam tăng 42,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.000,4 tỷ đồng, lên 6.729,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.866,9 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.412,7 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.405 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 815,6 tỷ đồng, chiếm 12,12% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 669,8 tỷ đồng, chiếm 10% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng đang có dấu hiệu tăng mạnh, tăng 85,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 819,37 tỷ đồng, lên 1.776,67 tỷ đồng và chiếm 26,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 20,2% tổng nguồn vốn).