HLV Trần Minh Chiến: "Đời một cầu thủ rất ngắn. Nếu các em chọn những thú vui của tuổi trẻ, có khi sẽ đánh đổi bởi tuổi nghề. Sự ân hận luôn đến khi quá muộn". |
Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc bóng đá, trên rất nhiều cương vị khác nhau, đến mức ngỡ như khó có một trận cầu nào có thể khiến mình bay bổng được nữa.
Nhưng đến khi chứng kiến U23 Việt Nam loại Qatar để ghi tên mình vào trận chung kết, tôi biết mình đã gặp một điều thần kỳ ngỡ như chỉ có một giấc mơ. Thông thường một trận đấu kết thúc, trừ những người làm công tác phân tích chiến thuật sẽ không ai xem lại. Nhưng trận đấu với Qatar thì khác, người ta có thể xem đi xem lại mà không chán. Nó như một thước phim siêu anh hùng.
Cám ơn các em và ban huấn luyện đã làm những điều mà chúng tôi - những người đi trước – chưa từng làm được. Các em đã đưa người hâm mộ nước nhà đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Chúng tôi không hề ghen tỵ, trái lại chỉ cảm thấy một nỗi tự tự hào khó tả khi là một người Việt Nam trong những ngày này. Tên Việt Nam hiện diện trên truyền thông quốc tế, không phải với những tin tức tiêu cực mà với những lời ngợi ca. Thậm chí, có phóng viên còn… lo cho cả tương lai bóng đá nước ta, sợ chúng ta sẽ trở thành một Hy Lạp mới.
Tôi ngẫm nghĩ lại: vì sao các em hôm nay được yêu mến đến thế? Và tôi chỉ tìm thấy một câu trả lời: tuổi trẻ. Nếu như các thế hệ đàn anh dự giải khi người đã cao tuổi, người đã lập gia đình thì tất cả các thành viên của U23 hôm nay căng đầy sức sống. Khát vọng của những thanh niên hiện đại, được giáo dục đầy đủ, tiếp thu những văn minh hiện đại đang chiến đấu vì niềm tự hào quốc gia khiến họ thành những thần tượng mới.
Nhưng đi kèm với những lợi thế của một lớp trẻ văn minh là những hiểm họa của một thời đại công nghệ. Rồi các em sẽ thấy mình bị bao vây bởi truyền thông, rồi các em sẽ thấy tên mình tràn ngập báo đài, truyền hình và trên mạng xã hội. Các em sẽ thấy lượng người theo dõi trên mạng xã hội của mình tăng gấp bội, với số thông báo nhiều đến mức không đọc hết nổi. Rồi những lời đề nghị sẽ đến, từ lịch sự cho đến khiếm nhã, từ thương mại cho đến tình ái. Tôi không là ai để có thể khuyên các em. Nhưng tôi chỉ muốn nói với các em một điều: trước khi quyết định điều gì, hãy nhớ về cái giây phút mà các em chơi bóng lần đầu.
Hãy nhớ cái cảm giác đứng trên mảnh ruộng quê hương, đá vào quả bóng nhựa và mơ một ngày nào đó được chạy trên thảm cỏ xanh. Hãy nhớ lần đầu tiên các em vào học viện, được mang đôi giày da đầu tiên thay cho tấm chân trần. Hãy nhớ cảm giác khi thầy nói “tốt lắm” khi các em lần đầu đá quả bóng đúng kỹ thuật. Hãy nhớ những giọt mồ hơi ròng rã, hãy nhớ những cơn đau chuột rút, hãy nhớ những ngày miệt mài xa gia đình và nhớ lấy tiếng cười của người thân khi ta gọi về sau một chiến công nào đó.
Đời một cầu thủ rất ngắn. Nếu các em chọn những thú vui của tuổi trẻ, có khi sẽ đánh đổi bởi tuổi nghề. Sự ân hận luôn đến khi quá muộn.
Với những người xem đơn thuần, những bàn thắng của Quang Hải và Đức Chinh có thể là sự mỉm cười của vận may. Nhưng với tôi, với những người thầy, đấy là những điều… bình thường. Vì các thầy biết các em có thể làm hơn thế nữa. Vì các thầy biết các em đã tập sút đến rách cả giày và rộp cả chân.
Và hãy để các thầy được xem các em thành công nhiều hơn thế nữa. Xin cám ơn các em vì đã dạy ngược lại những người lớn như thầy một bài học: phải biết tin vào điều kỳ diệu.