Đầu tư Phát triển bền vững
Bài toán thu gom và xử lý rác thải nhựa: Đã tìm ra lời giải phù hợp?
Như Loan - 01/04/2022 14:37
Khắp nơi, từ những tuyến phố lớn tới những con ngõ nhỏ, không khó để bắt gặp tiếng rao của những người thu mua đồ cũ - “lực lượng tuyến đầu” chuyên thu gom rác thải nhựa tại Việt Nam.

Nhằm giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải nhựa, Hội thảo trực tuyến của dự án thí điểm “Tăng cường thu gom, phân loại, tái chế bao bì nhựa tại TP. Hồ Chí Minh” đã diễn ra vào ngày 22/3. Đây là hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) đồng tổ chức. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và nhiều tổ chức, cá nhân khác đã tham dự hội thảo.

Dự án thí điểm đã tổng hợp kết quả triển khai trong 2 báo cáo và các phiếu thông tin về nhiều chủ đề khác nhau

Hội thảo tập trung phân tích và đánh giá tình hình xây dựng và thực thi trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) hiện nay tại Việt Nam, đồng thời tổng kết kết quả của dự án thí điểm và đưa ra đề xuất phương án giải quyết khó khăn, trở ngại khi áp dụng cơ chế EPR.

Nhận định về tình hình thực thi EPR hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ: “Trước khi có Luật bảo vệ môi trường 2020, EPR ở Việt Nam vẫn được thực hiện theo cơ chế tự nguyện, mặc dù đã có rất nhiều quy định được ban hành”.

Theo ông Thi, EPR không trực tiếp điều chỉnh việc phân loại, thu gom rác thải mà thông qua tác động vào điểm đầu và điểm cuối của chuỗi sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế để tác động lên toàn bộ hệ thống EPR. Theo đó, tại điểm đầu, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc; tại điểm cuối, EPR hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Như vậy, cùng với các yếu tố, quy luật của thị trường, EPR sẽ tác động tích cực đến khâu tổ chức phân loại, thu gom rác thải, giúp gia tăng lượng rác thải được phân loại, thu gom, đồng thời làm gia tăng lượng vật liệu được thu gom, tái chế.

Ông Thi cũng cho biết bao bì thương phẩm là đối tượng mới được bổ sung trong trách nhiệm tái chế chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên: “Việt Nam cần hướng tới mở rộng việc tái chế rác thải với quy mô công nghiệp lớn trong tương lai”.

Cũng trong buổi hội thảo, các đại diện của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp và Đại học Kiến trúc Hà Nội đã chia sẻ thông tin về quá trình triển khai và giới thiệu kết quả của dự án thí điểm. Mục tiêu của dự án là xác định vai trò của các bên liên quan trong chuỗi giá trị, hướng tới cải thiện quy trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.

Bà Nguyễn Thái Huyền, giảng viên tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, thành viên của dự án cho biết, “Do làn sóng dịch bất ngờ quay trở lại các tỉnh phía Nam trong năm 2021, địa điểm triển khai dự án đã thay đổi sang quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Đây là quận trung tâm của thành phố với mật độ dân cư rất cao và có lượng rác thải rất lớn, bình quân 160 tấn/ngày chỉ tính riêng trong năm ngoái”.

Dự án thí điểm đã tổng hợp kết quả triển khai trong 2 báo cáo và các phiếu thông tin về nhiều chủ đề khác nhau

Các bên liên quan trong chuỗi thu gom rác thải nhựa tại địa bàn quận bao gồm UBND quận và phường, công ty thu gom rác thải URENCO, người thu mua đồ cũ và người dân địa phương. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm có 11 điểm tập kết rác cố định và 66 điểm tập kết rác di động.

“Cần xây dựng các chương trình đào tạo về EPR, về tầm quan trọng của việc thu gom và phân loại rác thải đúng cách tại địa phương. Rác thải nhựa nên được phân loại tại nguồn thành hai loại: rác thải có thể tái sử dụng, có thể tái chế và rác thải khác. Đồng thời, cần đảm bảo truy vết nguồn gốc rác thải nhựa để nâng cao hiệu quả phân loại”, bà Emilie Strady, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp, điều phối viên dự án đề xuất.

“Các bên liên quan và vai trò của họ trong quy trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa ở mỗi khu vực lại có những đặc điểm riêng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại địa phương và thành lập các điểm tập kết thu gom rác”, bà Huyền bổ sung.

Bà Huyền gợi ý xây dựng các bản đồ số kết nối các điểm tập kết rác trong thành phố với trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý địa phương để cải thiện quy trình thu gom rác thải.

“Hoạt động thí điểm này là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ hướng đến một giải pháp tối ưu trong việc xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”, ông Alvaro Zurita, Trưởng dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” chia sẻ.

Bà Judith BEL, đại diện Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp bày tỏ: “Đây được xem là một sáng kiến hữu hình trong công cuộc bảo vệ môi trường thể hiện qua những thay đổi thực tế, với mong muốn nhân rộng những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng”.

Dự án thí điểm này nằm trong khuôn khổ dự án ‘Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển’, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, do GIZ và Expertise France triển khai. Dự án ‘Suy nghĩ lại về nhựa’ nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới tiêu dùng và sản xuất nhựa bền vững trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, qua đó giảm thiểu lượng rác thải biển, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khu vực.

Tin liên quan
Tin khác