Đầu tư
Bài toán xuất siêu bền vững
Hà Nguyễn - 07/12/2017 08:28
Trong 11 tháng qua, Việt Nam ước xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay. Con số sẽ lớn hơn, nếu nhập siêu của khu vực trong nước được cải thiện và nếu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên kết tốt với khu vực trong nước.
TIN LIÊN QUAN

Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục

Đã có một sự đảo chiều ngoạn mục của cán cân thương mại Việt Nam năm 2017. Nửa đầu năm là nỗi lo nhập siêu lớn, với liên tục các lời cảnh báo được các chuyên gia kinh tế đưa ra, cho dù vào thời điểm ấy, Bộ Công thương luôn khẳng định, nhập siêu chưa đáng lo, bởi nhập siêu lớn chủ yếu do tăng nhập khẩu máy móc, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất.

Nhờ Samsung mà cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt thời gian qua, song chỉ nỗ lực của Samsung là chưa đủ. Ảnh: Đức Thanh

Thậm chí, tới tháng 6/2017, nhập siêu vẫn là 2,78 tỷ USD, lơ lửng nỗi lo lớn. Tình hình chỉ bắt đầu dịu đi, khi sang tháng 7/2017, xuất siêu - tính theo tháng - đã quay trở lại. Tháng 7/2017, cán cân thương mại thặng dư 266 triệu USD, nhưng tính chung 7 tháng, vẫn nhập siêu 2,53 tỷ USD.

Tháng 9/2017, đã bắt đầu có sự đảo chiều, khi chỉ trong tháng đó, nền kinh tế đã xuất siêu 1,1 tỷ USD, đưa cán cân thương mại sau 9 tháng xuất siêu 328 triệu USD.

Nhưng dù vậy, một cách thận trọng, cuối tháng 9/2017, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn dự ước rằng, cả năm, cả nước vẫn nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Song tình hình đã khác rất nhiều, khi chỉ trong tháng 10, chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu đã lên tới 2,18 tỷ USD, khiến 10 tháng, cả nước xuất siêu 2,56 tỷ USD.

Cân đối xuất nhập khẩu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày càng tích cực hơn. Số liệu mà Bộ vừa báo cáo Chính phủ cuối tuần qua cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD. Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2017 và dù tháng 12 thường là tháng có nhập siêu lớn, song khó có khả năng lại có thêm một cú đảo chiều nữa.

Với dự báo xuất khẩu năm 2017 hoàn toàn có thể đạt con số 210 tỷ USD, nhập khẩu tăng chậm hơn, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm một năm có thặng dư thương mại, trái ngược hẳn với lo toan hồi đầu năm của nền kinh tế.

Ngược chiều nội - ngoại và bài toán xuất siêu bền vững

Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, đó là trong tổng số kim ngạch xuất siêu 2,75 tỷ USD trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 26,15 tỷ USD - một son số rất đáng ghi nhận. Ngược lại, khu vực trong nước lại nhập siêu tới 23,4 tỷ USD - một con số khá lớn. Nhiều năm nay vẫn vậy, chứ không chỉ là trong 11 tháng qua. Trong khi khu vực FDI xuất siêu, thì khu vực trong nước lại nhập siêu và chính vì sự “trồi sụt” trong xuất nhập khẩu của khu vực trong nước, mà cán cân thương mại của Việt Nam cũng “trồi sụt” theo.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất siêu 2,5 tỷ USD. Trước đó, vào các năm 2012, 2013, 2014, cũng đã liên tục có xuất siêu, trong đó cao nhất là năm 2014, xuất siêu trên 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 2015, lại nhập siêu tới trên 3,5 tỷ USD.

Sự “trồi sụt” thất thường của cán cân thương mại Việt Nam cho thấy, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu và có lẽ, đấy là lý do vì sao những năm gần đây, dù Việt Nam liên tục có xuất siêu, song khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, Chính phủ vẫn dè dặt đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu ở mức 3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, mục tiêu này vẫn một lần nữa được quyết nghị.

Làm thế nào để thay đổi tình hình? Bài toán được đặt ra, nếu nhập siêu của khu vực trong nước được cải thiện và nếu khu vực FDI liên kết được tốt hơn với khu vực trong nước, thì thặng dư của cán cân thương mại sẽ bền vững hơn.

Mấu chốt của vấn đề, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, xuất phát từ thực tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Cũng một phần vì lý do đó, liên kết giữa khu vực FDI và trong nước còn lỏng lẻo.

Một thông tin rất đáng chú ý gần đây, Samsung đã thành công trong phát triển được 29 nhà cung cấp cấp 1. Nhờ nỗ lực phát triển nhà cung cấp nội địa - bao gồm cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài, mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đã lên tới 57%. Cũng nhờ Samsung, mà cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Song chỉ một nỗ lực của Samsung là chưa đủ.

Hiện không chỉ trong công nghiệp điện tử, mà công nghiệp dệt may, da giày…, giá trị gia tăng để lại cho kinh tế Việt Nam không lớn, do Việt Nam phần lớn vẫn gia công, lắp ráp. Chỉ khi công nghiệp hỗ trợ phát triển, thì xuất siêu của Việt Nam mới thực sự bền vững.

Tin liên quan
Tin khác