Doanh nghiệp
Bamboo Airways bay qua khung trời hẹp
Anh Minh - 15/12/2018 08:08
Thị trường hành khách nội địa giảm tốc, trong khi các hãng hàng không vẫn tiếp tục đổ tải khiến dư địa cho các nhà đầu tư mới như Bamboo Airways ngày một chật chội.

Ngóng lịch bay của Bamboo Airways

Cho đến thời điểm hiện tại, khả năng thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways vào ngày 29/12/2018 như tuyên bố mới đây của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (công ty mẹ) vẫn đang là ẩn số khi tiến độ phê chuẩn Giấy chứng nhận Nhà khai thác tàu bay (Air Operator Certificate - AOC) cho hãng hàng không này đang bị chậm so với kế hoạch.

.

Theo Nghị định số 92/2016/NĐ - CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, AOC là chứng chỉ rất quan trọng để hãng hàng không được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ cho phép. Để được cấp chứng chỉ AOC, điều kiện tiên quyết là nhà khai thác phải có tàu bay để khai thác, đồng thời phải thỏa mãn những yêu cầu về an toàn, tính khả thi, có trụ sở, văn phòng và nhất là  không có AOC của nhà chức trách khác. 

Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo là bắt đầu thực hiện các chuyến bay kiểm chứng trên mạng đường bay mà Bamboo Airways dự kiến khai thác từ ngày 18 đến ngày 20/12/2018. Để thực hiện thủ tục bắt buộc này, lẽ dĩ nhiên, Bamboo Airways sẽ phải đưa tàu bay A320 đầu tiên (loại tàu bay được đề nghị để cấp AOC) về Việt Nam vào ngày 5/12/2018 và chiếc máy bay thứ hai - A319 vào ngày 20/12/2018.

Theo xác nhận của lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho tới ngày 12/12/2018, 2 tàu bay mà Bamboo Airways dự kiến khai thác vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Trong trường hợp tàu bay không về kịp vào cuối tuần này, Bamboo Airways sẽ phải điều chỉnh kế hoạch bán vé cho chuyến bay thương mại đầu tiên vừa được lùi đến cuối tháng 12/2018.

“Để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ ra công chúng, Bamboo Airways cần phải có AOC và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khuyến nghị.

Mặc dầu vậy, ngay cả khi không hoàn thành mục tiêu nhận AOC như kế hoạch, thị trường hàng không Việt Nam nhiều khả năng vẫn đón thêm thành viên mới là Bamboo Airways trong năm 2019, bởi việc giải quyết những vướng mắc này chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, nếu không kịp thực hiện các chuyến bay thương mại đầu tiên trong mùa cao điểm vận chuyển Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019, Bamboo Airways sẽ lỡ cơ hội gia nhập thị trường tốt nhất trong năm, bởi thời điểm cuối quý I và đầu quý II hàng năm là thời kỳ thấp điểm của thị trường hàng không.

Có cần thêm người mới?

Trước đó, trong thông cáo báo chí được phát hành ít giờ sau khi nhận được sự chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Airways cho biết, sẽ đưa về Việt Nam ngay trong năm nay khoảng 20 máy bay và bổ sung 20 - 30 chiếc trong năm 2019 để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra. 

Bamboo Airways đã sớm khẳng định hướng đi riêng khi chọn khai thác các đường bay liên vùng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam với nhau, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng như với các quốc gia trong khu vực. 

Trong khi cất cánh không còn là chuyện phải bàn, nhưng việc Bamboo Airways có đủ sức chia lại miếng bánh thị phần lại là vấn đề khác, nhất là khi thị trường vận tải hàng không nội địa đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines (hãng hàng không truyền thống 4 sao), Jetstar Pacific (hãng hàng không chi phí thấp), Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) và Vietjet. 

Trong số này, 3 cái tên đầu tiên thuộc Vietnam Airlines Groups có lợi thế rất lớn về sự đa dạng sản phẩm; cơ sở hậu cần, kỹ thuật đồng bộ; sở hữu đội tàu bay gồm 108 chiếc (tính tới tháng 11/2018) và   Vietjet - hãng hàng không chi phí thấp đang sở hữu 64 tàu bay A320, A321 thế hệ mới, có tham vọng vươn lên trở thành hãng hàng không hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  Đặc biệt, cung tải cho thị trường hàng không năm 2019 sẽ còn tăng lên khi Vietnam Airlines dự kiến đưa vào khai thác 18 tàu bay A321neo mới đã ký với Airbus và lô 50 chiếc A321neo của Vietjet cũng sẽ bắt đầu gia nhập đội tàu bay của hãng hàng không thế hệ mới.

Hiện dư địa thị trường hàng không cho Bamboo Airways và các nhà đầu tư mới đang hẹp dần khi  thị trường hàng không nội địa đã thực sự bão hòa. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2018, sản lượng hành khách nội địa đạt 69,6 triệu lượt, chỉ tăng 9% so với năm 2017, mức tăng này chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2012 - 2017 khi Vietjet gia nhập thị trường. Trong khi đó, tại thị trường hành khách quốc tế, thị phần của các hãng hàng không Việt Nam trong thời gian qua giảm mạnh từ 19-20% giai đoạn 2011 - 2013, xuống còn 9,7% năm 2017 và 4,31% năm 2018 do cạnh tranh từ các hãng hàng không nước ngoài.

“Vào thời điểm này, thị trường hàng không Việt Nam chưa cần thêm hãng hàng không mới, bởi đây là giai đoạn cần sự phát triển mang tính bền vững, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lợi ích của Nhà nước và xã hội, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính, cản trở việc xây dựng thương hiệu hàng không quốc gia”, một chuyên gia hàng không nhận định.

Tin liên quan
Tin khác