Thông tin doanh nghiệp
Bamboo Capital (BCG) mở rộng mảng dược phẩm và xây dựng hạ tầng
Kiều Trang - 19/02/2023 08:00
Tại buổi Livestream gặp gỡ nhà đầu tư chiều mới đây, Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) cho biết, đang tập trung vào mảng xây dựng hạ tầng, từng bước mở rộng mảng dược phầm.

 

Dù bức tranh năm 2023 còn khó khăn, nhưng quan điểm của BCG vẫn là đề cao quản trị doanh nghiệp, theo đó, cần liên tục giám sát, nắm bắt tình hình vĩ mô để diều chỉnh chiến lược trong bất kỳ trường hợp nào.

Đối với mảng năng lượng, lãnh đạo BCG ước tính, Quy hoạch điện VIII đã chậm khoảng 18 tháng. Khả năng quy hoạch điện VIII sẽ được sớm thông qua khi Chính phủ đang cố gắng nỗ lực đưa ra phương án về giá dự án chuyển tiếp và dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII.

Về bất động sản, BCG Land sẽ hoàn thiện các dự án đang xây dựng dở dang, cũng như hoàn thiện vấn đề pháp lý bằng việc tiếp tục nỗ lực cùng chính quyền, các nhà thầu giải quyết vướng mắc, đặc biệt là đồng hành cùng với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn chung của ngành.

Năm 2022, Tracodi, công ty con của BCG ghi nhận doanh thu đạt 2.945 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, song lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%, tương đương hoàn thành 66,5% kế hoạch doanh thu và 71,9% kế hoạch lợi nhuận năm. Ngoài các dự án nội bộ trong hệ sinh thái BCG, Tracodi đã nhận về nhiều dự án xây lắp – hạ tầng khác như: gói thầu đường lăn thuộc dự án Sân bay Phan Thiết, dự án san lấp nhà máy Cocacola,…

Năm 2023, tận dụng chính sách mở rộng đầu tư công của Chính phủ, cùng với việc sở hữu mỏ đá Antraco, Tracodi dự định sẽ tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng lớn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc tài chính TCD tiết lộ, trong quý IV/2022, Tracodi đã tham gia và trúng thầu dự án giao thông tại Đông Anh – Hà Nội với giá trị 136 tỷ đồng gồm 4 làn xe với chiều dài 39 km. Dự án dự kiến khởi công trong quý I/2023 và hoàn thành trong năm 2025. Công ty cũng tham gia đấu thầu thêm một số dự án phía Nam nhưng sẽ được công bố khi có thông tin mới.

Vào tháng 8/2022, Bamboo Capital đã mua thành công 1,3 triệu cổ phiếu DTG của Công ty CP Dược phẩm Tipharco và trở thành cổ đông lớn, tương đương 21,01% vốn điều lệ tại Tipharco.

Chia sẻ về chiến lược này, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, sau đại dịch, Tập đoàn đã nhìn nhận có cơ hội mở ra cho ngành dược phẩm. Quan điểm của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Nam là mong muốn đem lại giá trị cho cộng đồng, nên đã đưa ra những mục tiêu để M&A mảng dược phẩm.

Với về dày kinh nghiệm của Tipharco cùng với tiềm năng của Bamboo Capital, Tập đoàn tin tưởng có thể mang lại giá trị hơn nữa cho việc phát triển Tipharco. Năm 2022, sau khi có sự tham gia của BCG, doanh thu Công ty đạt 290 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ, vượt hơn 18 lần so với năm 2021. Năm 2023, Tập đoàn định hướng tiếp tục mở rộng Tipharco qua kênh phân phối, đại lý để tăng trưởng lợi nhuận.

Đặc biệt, đối với kế hoạch tăng vốn thông qua việc chào bán hơn 266,73 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 với mức giá 10.000 đồng/CP, Tập đoàn cho rằng trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, thị trường có lúc tích cực nhưng cũng có lúc trầm lắng. Tuy nhiên, chính trong thời điểm khó khăn sẽ tạo ra các cơ hội M&A mới, nên việc huy động vốn là cần thiết.

Ông Tuấn cho biết, quá trình tăng vốn sẽ là cần thiết để nắm bắt cơ hội M&A trong lúc thị trường khó khăn hiện nay và tạo đà tăng trưởng cho tương lai. Trong trường hợp các nhà đầu tư hiện hữu không cảm thấy hấp dẫn, BCG sẽ làm việc với các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư muốn tìm cơ hội trên thị trường Việt Nam hiện tại. Tập đoàn đang làm việc với một số nhà đầu tư và nhận được tín hiệu tích cực vì vậy vẫn sẽ tiến hành kế hoạch tăng vốn 2:1.

Trong quý IV/2022, doanh thu thuần của BCG đạt 1.221,1 tỷ đồng, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng mạnh, việc huy động vốn khó khăn làm cho thị trường M&A gần như bị đóng băng khiến BCG không thực hiện giao dịch nào trong quý VI. Điều này đã làm cho doanh thu tài chính của BCG giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế quý IV âm 339 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu BCG tăng 75% nhưng lợi nhuận giảm do những biến động của nền kinh tế vĩ mô cùng bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao đã tạo sức ép lên các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 28,9%.

Tuy nhiên, theo mức lũy kế 2022, BCG vẫn duy trì được tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hàng năm từ 2018 đến nay, cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 32,4% và 117,1%. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng 2022 đạt 28,9% và 12,1%, biên lợi nhuận gộp tuy thấp hơn cùng kỳ 2021 nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn từ 2020 trở về trước.

Về cơ cấu doanh thu, mảng xây dựng hạ tầng, bất động sản và năng lượng tái tạo là 3 trụ cột đóng góp phần lớn tỷ trọng vào cơ cấu doanh thu. Mặc dù đã giảm sự phụ thuộc doanh thu từ mảng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng của Tracodi, tuy nhiên, Tracodi vẫn đang có đóng góp lớn nhất với 41,8%, theo sau là BCG Land và BCG Energy với tỷ trọng doanh thu lần lượt đạt 23,7% và 23,5% .

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc BCG đánh giá, trong năm 2022, đặc biệt là quý III và đầu quý IV, thị trường có nhiều biến động liên quan đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, thắt chặt tín dụng gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp như BCG.

Tin liên quan
Tin khác