Tài chính - Chứng khoán
Bán 10 cổ phiếu “thượng hạng”, tiền thu về chảy vào kênh nào?
Hàn Tín - 18/10/2015 08:35
Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp lớn đang kinh doanh hiệu quả do SCIC quản lý vốn sẽ thu về hàng tỷ USD, tuy nhiên, làm gì để "tiền đẻ ra tiền" là câu hỏi không dễ.

Năm 2015, ngân sách trung ương đứng trước nguy cơ hụt thu 31.300 tỷ đồng. Để xử lý vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chấp thuận cho Bộ Tài chính sử dụng 10.000 tỷ đồng tiền bán bớt cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp từ đầu năm đến nay.

Số tiền hụt thu còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được “cơ cấu” từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó không loại trừ lấy từ nguồn tiền chuẩn bị bán phần vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả như Vinamilk (VNM), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, (BMI), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (VNR), Nhựa Tiền Phong (NTP), Công ty cổ phần FPT, FPT Telecom…

Bình luận về việc thoái vốn tại những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra khá dè dặt khi cho rằng, đừng quá vội vã cho là Nhà nước phải “buông” hết những lĩnh vực được coi là không cần thiết, phải thoái ngay toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ mới là đi theo cơ chế thị trường.

Vinamilk là một khoản đầu tư "hời" của nhà nước trong suốt thời gian qua

“Thoái vốn tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như VNM, BMI, FPT… cũng được. Nhưng câu hỏi đặt ra là thu tiền về để làm gì, đầu tư vào đâu cho hiệu quả ít nhất là bằng việc đầu tư vốn ở những doanh nghiệp đó”, ông Ngân băn khoăn và cho rằng, nếu Chính phủ có chiến lược đầu tư, có kênh đầu tư hiệu quả thì nên bán, còn bán mà chưa biết đầu tư vào đâu thì cần phải nghiên cứu lại, đặc biệt là không được sử dụng số tiền này để chi tiêu thường xuyên.

Vẫn theo ông Ngân, đúng là nhiều lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước đầu tư rất hiệu quả và trong tương lai, Nhà nước phải dần rút ra để khu vực ngoài nhà nước đảm nhận. Tuy nhiên, việc rút ra khỏi thị trường phải hết sức thận trọng, bởi trong việc Nhà nước đầu tư, vấn đề hiệu quả kinh tế không phải là quan trọng nhất, mà quan trọng là hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, người sản xuất nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sắp có hiệu lực.

Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hiện khu vực ngoài nhà nước làm rất tốt, nhưng khi Nhà nước không còn tham gia nữa, thì thị phần sản xuất thức ăn chăn nuôi đã rơi vào tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến một bộ phận nông dân Việt Nam đã và đang trở thành “con tin” của khu vực doanh nghiệp này. Trên thực tế, ngành chăn nuôi đã trở thành người làm thuê giá rẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trên quan điểm cá nhân, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đồng tình với quan điểm cần phải thoái toàn bộ phần vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư, nhưng cũng rất băn khoăn về thời điểm bán.

“Thị trường chứng khoán vẫn đang đuối, rất nhiều loại cổ phiếu bán dưới mệnh giá mà không ai mua. Nếu giờ đưa những loại cổ phiếu ‘thượng hạng’ như VNM, BMI, VNR, FPT… ra thị trường, thì các loại cổ phiếu khác bán cho ai”, ông Tiến nói và cho rằng, tiền nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp là tiền của dân, quan trọng nhất là phải thu được lợi nhuận tối đa từ khoản đầu tư này, thoái vốn phải chọn thời điểm thị trường thuận lợi nhất để thu về tối đa số tiền đã đầu tư.

Vinamilk không chỉ là một trong những doanh nghiệp lớn, có uy tín thương hiệu cả trong và ngoài nước, Nhà nước đang nắm giữ số cổ phiếu trị giá ước lên tới 2,4 tỷ USD, mà cùng với TH True milk, Sữa Mộc Châu trở thành những doanh nghiệp nội địa trở thành đối trọng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Sản xuất, chế biến sữa không phải là lĩnh vực hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy, nếu bán toàn bộ phần vốn tại Vinamilk, thì nhiều khả năng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là đối thủ cạnh tranh của Vinamlik sẽ ‘ôm’ hết. Khi đó, toàn bộ thị trường sữa, đặc biệt là sản phẩm sữa dành cho trẻ em sẽ bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thao túng”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Dù đồng tình với việc tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước, song ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là giải pháp mang tính ngắn hạn, phải cân nhắc sử dụng bảo đảm tập trung, tránh bố trí vốn dàn trải, dở dang cho nhiều mục tiêu, dẫn đến các năm ngân sách tiếp theo không còn nguồn lực để thực hiện tiếp.

“Các khoản thu từ bán cổ phần vốn nhà nước cần được dự toán vào cân đối thu - chi ngân sách nhà nước và chỉ được chi cho đầu tư phát triển, tuyệt đối không sử dụng khoản này để chi thường xuyên”, ông Hiển nói.

Tin liên quan
Tin khác