1.
Trên đây chỉ là một trong vô vàn những hành vi ứng xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng cộng đồng. Thực tế, không khó để bắt gặp những hình ảnh cười nói vô tư trong thang máy, quán ăn, rạp phim…; chen ngang không xếp hàng chờ đến lượt trong siêu thị, bệnh viện, bến xe…; tranh giành thang máy, dùng thang máy để đưa xe đạp, xe máy lên tầng, lấn chiếm hành lang chung làm việc riêng; nói tục, chửi thề, tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke với âm lượng lớn đến tận khuya; vô tư phà khói thuốc trên đường, nơi công cộng; phóng uế tùy tiện; xả rác bừa bãi; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm...
Văn hóa ứng xử nơi công cộng liên tục trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, từ khu dân cư tập trung tới các khu đô thị, chung cư cao tầng, những hành vi “chướng tai gai mắt” vẫn được nhiều người dân vô tư thể hiện.
Khu chung cư New Horizon City, 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) gồm 4 tòa nhà với 1.244 căn hộ, mới được đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay. Với số lượng căn hộ và cư dân lớn, nơi đây cũng không tránh khỏi những tồn tại trong văn hóa ứng xử hàng ngày. Bên cạnh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân âm ỉ từ nhiều năm qua, văn hóa chung cư ở đây cũng là vấn đề bất cập, nằm trong thực trạng chung của các chung cư tại Hà Nội.
Bởi thực tế, các cư dân ở đây không chỉ có cán bộ, viên chức nhà nước, mà còn rất nhiều người kinh doanh, những người lao động tự do, người thuê nhà với những thói quen sinh hoạt khác nhau.
Trưởng Ban quản trị cụm nhà chung cư New Horizon City cho biết, việc vứt rác bừa bãi, chó mèo vệ sinh ra hành lang, khạc nhổ bừa bãi thường xuyên diễn ra. Không những vậy, nhiều nhà thiếu ý thức còn vứt rác trong nhà vệ sinh từ tầng cao xuống dưới, hay thậm chí còn lấy mũ bảo hiểm của nhau trong nhà để xe.
Trong khi đó, cư dân Chung cư 622 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thường xuyên phàn nàn về tình trạng khạc nhổ trong thang máy, nuôi chó thả rông ở các tầng tòa nhà, nhà tầng trên kệ đồ đạc, chạy nhảy ảnh hưởng đến nhà tầng dưới. Thậm chí, có hộ còn nhóm lò ngoài lô gia để đun thuốc bắc. Việc nhóm lò đun thuốc vừa nguy hiểm đến an toàn phòng chống cháy nổ, vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân khác.
2.
Do sự phát triển của mạng xã hội, kéo theo xu thế giao thoa các nền văn hóa thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, một dòng văn hóa có tính bạo lực, nổi loạn cũng có dịp du nhập vào Việt Nam. Họ thích đề cao cái tôi cá nhân một cách khập khiễng, chỉ quan tâm đến sở thích của mình và thể hiện nó một cách lệch lạc một cách "vô thức".
Hệ quả của lối sống đề cao giá trị cá nhân nhưng thiếu đi nền tảng văn hóa, thiếu đi sự giáo dục các chuẩn mực xã hội dẫn đến thiếu tôn trọng cộng đồng, coi thường người chung quanh. Xã hội phương Tây nhìn chung đề cao các giá trị cá nhân, thế nhưng cái được của họ là nếu “cái tôi” đó nếu ảnh hưởng đến cộng đồng thì sẽ bị xử lý. Nói đúng hơn, chúng ta đã “nhập khẩu” những tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Chúng ta đã bị động trước những thay đổi nhanh chóng của văn hóa ứng xử, cả trong giao lưu, lẫn những thay đổi tự thân của xã hội.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập với thế giới cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mỗi người, mỗi gia đình đều có thể dễ dàng có được những phương tiện truy cập internet. Điều đó vừa tạo thuận lợi cho việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa, thông tin hữu ích, nhưng đồng thời cũng là mối hiểm nguy khi người sử dụng không biết chọn lọc thông tin.
Trong khi, mạng xã hội của chúng ta chưa được quản lý triệt để, có rất nhiều thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của người chơi, đặc biệt là giới trẻ. Với tâm lý lứa tuổi, thanh, thiếu niên chưa phân biệt được hết cái tốt, cái xấu; và với bản tính tò mò, thích khám phá cái mới lạ, không được định hướng cũng như chưa biết tự kiểm soát, dễ dàng bị hấp dẫn và hòa nhập theo những lời nói, hành vi “lệch chuẩn” này.
3.
Lưu ý rằng, rất khó để có một chuẩn mực hoàn hảo. Điều chúng ta hướng tới chính là xây dựng chuẩn mực ấy bằng nhiều cách. Có thể có sự can thiệp của pháp luật, tuy nhiên đó chỉ là một nhân tố. Quan trọng là nhận thức, dân trí và trình độ của con người. Tất nhiên, sống trong một xã hội mà các chuẩn mực đang “bị vỡ” thì kỳ vọng này có vẻ cao quá.
Các cụ nhà ta xưa sống trong chuẩn mực cụ thể: công dung ngôn hạnh, tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ… Có thể một số người chưa thực hiện được chuẩn mực này, nhưng ít nhất cũng đã có một chuẩn mực nhất định để cùng soi vào. Có người tuân theo chuẩn, có người không, nhưng sự cần thiết hình thành hệ thống chuẩn mực chung không thể không có. Trong xã hội phát triển một ngày bằng 20 năm, sự điều chỉnh càng cần thiết hơn nếu muốn tạo một xã hội tiến bộ.
Đặc thù thời đại là sự phát triển quá mạnh mẽ, nhất là sự đột biến của cách mạng thông tin, tạo nên sự nhũng nhiễu, nhân danh tự do để hạ thấp người này, bôi đen người khác. Sự “hỗn loạn” ấy nếu đi theo đúng quy luật sẽ giúp con người tiến tới sự văn minh, hiện đại. Nhưng đồng thời, nó cũng chứa đựng những mặt trái.
Nhìn trong thời kỳ chuyển biến đó, sự lệch chuẩn là điều khó tránh khỏi. Chỉ khi xã hội hình thành nên nền kinh tế ổn định và phát triển, sự vận hành mới khiến những giá trị ảo mất dần. Cộng với những giá trị dân tộc, chuẩn mực sẽ dần thẳng đường tiến.