Đầu tư
Bàn cơ chế xây dựng Đặc khu Phú Quốc
Huy Thịnh - 16/09/2013 19:52
Tại Hội thảo khoa học Xây dựng Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc (đặc khu) trực thuộc Trung ương vừa diễn ra sáng nay (16/9) tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các ý kiến đóng góp đều cho thấy, còn nhiều vướng mắc để có thể xây dựng mô hình Đặc khu vì chưa có tiền lệ.

Tham dự Hội thảo có gần 150 đại biểu, gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Phú Quốc, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cùng chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo Tây nam bộ, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Trong đó UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra Dự thảo Đề án Đặc khu Phú Quốc để hội nghị thảo luận, góp ý.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo

Mô hình chính quyền đặc thù

Phát biểu khai mạc và gợi ý thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển Phú Quốc thành Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm kinh tế - thương mại - khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế chính sách cho những khu vực đặc biệt, có tiềm năng và thế mạnh riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, rất khó phát huy hết tiềm năng và lợi thế so sánh cũng như khó đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra theo Quyết định 178 (năm 2004) về định hướng phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng gợi ý thảo luận, là Phú Quốc cần có mô hình chính quyền và các chính sách đặc thù, vì huyện đảo có vị trí địa lý và địa kinh tế rất đặc biệt.

Hiện Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng mô hình Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt (đặc khu), giao Chính phủ xây dựng Đề án. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ chọn Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) để xây dựng Đề án, trình ra Quốc hội.

Tán đồng với chủ trương của Bộ chính trị và gợi ý vấn đề của Phó thủ tướng Vũ văn Ninh, TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, rất cần thiết và nên triển khai sớm mô hình đặc khu, nhất là với đảo Phú Quốc, vì Phú Quốc có nhiều lợi thế địa kinh tế hơn so với Vân Đồn và Vân Phong. Phú Quốc nằm tách biệt với đất liền và giáp với vùng biển du lịch của Đông nam Á, giáp với đường hành lang ven biển phía Nam bao quanh Vịnh Thái Lan. Do đó, Phú Quốc phải phát triển gắn với các trục kinh tế này.

Ông Trần Du Lịch cho biết thêm, mô hình này không mới so với thế giới và nhiều nước xung quanh.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều Đặc khu phát triển thành công, cũng có một số Đặc khu thất bại, không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Do vậy, khi xây dựng mô hình Đặc khu đảo Phú Quốc, cần xác định rõ lợi thế cạnh tranh của Phú Quốc là gì so với các đặc khu của các nước trong khu vực. Thậm chí phải có tầm nhìn chiến lược vài chục năm và hàng trăm năm.

Do đó, việc xây dựng mô hình Đặc khu Phú Quốc không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ chế chính sách khác đất liền hay các địa phương trong nước, mà là vấn đề về mô hình quản lý của chính quyền Đặc khu phải tự chủ và xây dựng hệ thống chính sách đặc thù. Kéo theo đó là sự thay đổi căn bản về quản lý của chính quyền đặc khu, đơn cử như đột phá về quản lý đất đai và thuế khác với đất liền để kêu gọi nhà đầu tư; một cấp chính quyền với hai cấp quản lý…

"Vì thế, chính quyền Đặc khu phải xác lập quan hệ rạch ròi với chính quyền trung ương. Trong đó, chính quyền Đặc khu phải toàn quyền quyết định về kinh tế xã hội, trừ vấn đề về ngoại giao và quốc phòng”, ông Trần Du Lịch nói.

Cần chính sách đặc thù

Hầu hết đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cần thiết xây dựng Đề án thành lập Đặc khu Phú Quốc để tăng tính tự chủ, nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát triển đồng bộ.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng Đề án thì còn nhiều điểm vướng các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, nhiều vấn đề quan trọng còn thiếu và chưa được làm rõ trong Dự thảo Đề án do UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề, trong Đề án cần phải làm rõ các chính sách và pháp luật đặc thù của Phú Quốc, về các vấn đề như: quản lý về đất đai, an ninh trật tự, kiểm soát giá, chính sách thuế, nhập cư, quy hoạch - quản lý quy hoạch và kiến trúc, nguồn nhân lực… Riêng về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền Đặc khu và mối quan hệ qua lại với tổ chức Đảng và Hội đồng Nhân dân đồng cấp cần được làm rõ.

Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mô hình Đặc khu có thể không áp dụng mô hình chính quyền theo Luật Hội đồng nhân dân. Vì thế, để xây dựng Đề án khả thi hơn, cũng như tổ chức thực hiện Đề án bền vững thì cần quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành và chính quyền địa phương từ nay đến năm 2030.

Nhận xét về Dự thảo Đề án này, ông Trần Du Lịch cho rằng, chưa “đủ đô” để xây dựng một chính quyền Đặc khu đủ sức vực dậy một khu vực kinh tế đặc biệt, với cách làm đặc biệt so với cả nước.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng chia sẻ, vì chưa chưa có tiền lệ, nên mọi việc ban đầu đều rất khó khăn. Tuy vậy, trong vấn đề xây dựng cơ chế pháp lý, ông Lịch khuyến nghị, nên tập trung nêu những gì pháp luật hiện hành chưa có để áp dụng với mô hình Đặc khu. Nếu không, Đề án sẽ rất mêng mông, nêu nhiều vấn đề mà vẫn không thể mô tả hết được những điểm cần thiết.

Thậm chí, để có chính sách đặc thù cho Đặc khu, có thể phải tính đến một luật riêng và rút gọn cho mô hình Đặc khu. Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất, xây dựng Đề án Đặc khu cho Phú Quốc là cần thiết, để thay đổi mô hình chính quyền nông nghiệp đã không còn phù hợp của huyện đảo Phú Quốc hiện nay, vì thực tế, mô hình chính quyền Phú Quốc đã là chính quyền đô thị hình thành và phát triển từ lâu.

Tin liên quan
Tin khác