Ngày 16/10, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp và chính sách phù hợp.
Chia sẻ tại Tọa đàm, các diễn giả đánh giá, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Theo ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 1.743 vụ thuốc lá nhập lậu, phát hiện vi phạm xử lý 1.500 vụ, thu nộp ngân sách 7,154 tỷ đồng.
Riêng về thuốc lá thế hệ mới, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 303 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 296 vụ, thu nộp ngân sách 3,959 tỷ đồng.
Còn từ ngày 1/1/2024 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 996 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 752 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 5,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 3 vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Đối với thuốc lá thế hệ mới, kiểm tra 132 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 129 vụ với trên 5.203 sản phẩm các loại, trị giá hàng hoá vi phạm 744 triệu đồng, thu nộp ngân sách hơn 1,9 tỷ đồng.
Nói về thiệt hại về kinh tế khi thuốc lá được nhập lậu vào Việt Nam, ông Thân Đức Công cho hay, chưa có số liệu cụ thể, song với nguồn thông tin mở, bình quân ngân sách nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng về chi phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và chi phí cho xử lý tang vật tịch thu tiêu hủy với thuốc lá thế hệ mới hằng năm cũng đến tiền tỷ.
Ngoài ảnh hưởng đến kinh tế, các chuyên gia đều nhấn mạnh thuốc lá thế hệ mới có tác hại đến sức khỏe người sử dụng.
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, vì thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá nên nicotin được tạo ra là nicotin từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên, không phải nicotin tổng hợp.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử có thể có hoặc không có nicotin; nếu có nicotin thì có thể là từ thuốc lá tự nhiên hoặc từ các nguồn tổng hợp. Nhiều nghiên cứu đánh giá nồng độ, chất độc hại hoặc có tiềm năng gây hại trong khí hơi sinh ra từ các sản phẩm thuốc lá.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, việc nói sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có ít gây hại hơn thuốc là truyền thống cần thận trọng và chưa có bằng chứng cụ thể.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội cho rằng các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ngày càng phổ biến.
Đôi khi thuốc lá thế hệ mới bị các đối tượng buôn lậu pha cần sa khiến người sử dụng bị gây nghiện. Điều đáng nói, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào trường học, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lối sống của học sinh.
Thuốc là thế hệ mới được kinh doanh phổ biến trên không gian mạng. Các đối tượng buôn bán giao dịch sử dụng dịch vụ xe công nghệ như grab để giao hàng nên khó xác minh.
Mặt hàng được cất giấu ở nhiều nơi, không tập trung, khó phát hiện. Nhiều đối tượng có dấu hiệu làm giả bán ra thị trường nên chất lượng sản phẩm không được kiểm soát.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện nay, vẫn còn khoảng trống về pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước về giải pháp quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phiên giải trình đã làm rõ những tồn tại, hạn chế và xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan qua Kết luận số 2513/KL-UBXH15 ngày 4/5/2024.
Trong đó, Bộ Y tế có trách nhiệm trong việc chưa kịp thời đánh giá một cách toàn diện, cung cấp thông tin khoa học, khuyến cáo chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chậm trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.