Bệnh viện dã chiến được đặt tại Cung Thể thao Tiên Sơn (TP. Đà Nẵng) |
Chia lửa cho tiền tuyến
16 giờ ngày 25/8, hàng trăm chiến sĩ áo trắng đeo khẩu trang, nhưng nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc dường như vỡ òa, bừng lên trên đôi mắt lấp lánh, khi cánh cổng Bệnh viện Đà Nẵng được mở toang, sau 30 ngày phong tỏa.
Đối nghịch với hình ảnh ấy là những bóng lưng ướt sũng vì mồ hôi, vì cơn mưa tầm tã, ai nấy lo lắng, bồn chồn ở rốn dịch này, vào chiều 26/7 khi bắt đầu lệnh phong tỏa. Khi đó, "Thành phố đáng sống" bàng hoàng xác định vùng tâm dịch là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng và Bệnh viện C Đà Nẵng.
Dịch bệnh lây nhanh chóng mặt, diễn biến khó lường, "tướng" ngành y - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tức tốc xung trận ở tâm dịch từ những ngày đầu với vai trò Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống Covid-19 tại TP. Đà Nẵng.
“Chúng tôi gần như không có khái niệm về thời gian, chỉ biết làm hết sức mọi lúc, mọi nơi”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ và bày tỏ: “Những tình nguyện viên dù không có chuyên môn y tế vẫn tìm đến các bệnh viện ở Đà Nẵng để "giúp được gì thì giúp". Tất cả đều trân quý vô cùng".
Bên cạnh Thứ trưởng Sơn, hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo, thầy thuốc các cơ quan của Bộ Y tế, viện nghiên cứu, bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành phố liên tục tăng viện cho các bệnh viện của Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Nhận đề nghị hỗ trợ Huế, không một giây chần chừ, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gật đầu tắp lự. Máy bay hủy chuyến, ông và đoàn thầy thuốc tức tốc xuất phát trong đêm bằng xe cứu thương của bệnh viện, chạy liên tục 8 tiếng để sáng hôm sau tiếp sức cho Bệnh viện Trung ương Huế.
“Lao vào việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp từng phút, chúng tôi phải đưa ra nhiều quyết định chuyên môn chưa từng có tiền lệ”, bác sĩ Hiếu kể.
Đó là trường hợp bệnh nhân thoát ECMO nhưng huyết khối toàn bộ tĩnh mạch chân sắp lan lên bụng, nguy cơ tắc mạch phổi gây đột tử rất cao, nhưng, không thể đưa người này lên phòng mổ vì khoảng cách và quy trình khử khuẩn hết sức phức tạp, bác sĩ Hiếu nhớ lại.
“Cuối cùng, tôi quyết định đặt lưới lọc ngay tại giường bệnh dưới hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật thành công trong chưa đầy 30 phút, nhờ sự đoàn kết thành một khối thống nhất giữa các y, bác sĩ của nhiều bộ phận, đến từ những đơn vị khác nhau, thậm chí chưa từng gặp mặt”, ông Hiếu nói.
Ở một tâm thế khác, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam), đang theo học bác sĩ chuyên khoa I ngành cấp cứu tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM bỏ kỳ thi tốt nghiệp để về đơn vị “chia lửa” với đồng nghiệp dù đã theo học 2 năm. "Nhiều người khuyên thi xong hãy về, nhưng tôi không thể. Dịch lan nhanh và rộng, đồng đội của tôi đang chịu nhiều áp lực, tôi không muốn là kẻ hèn nhát", anh chia sẻ.
Những hy sinh lặng thầm
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 11 chia sẻ: “Khi dịch bùng phát, Trung tâm hoạt động “cháy máy”, có ngày thực hiện tới 148 chuyến vận chuyển bệnh nhân, người F0, người F1. Cường độ, khối lượng công việc khổng lồ, trong bộ trang phục bảo hộ thời gian dài, hầu hết cán bộ tại Trung tâm đều bị ảnh hưởng sức khỏe, ngày nào cũng có người bị kiệt sức”.
Trên mặt trận xét nghiệm, PGS-TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, nhờ được bổ sung máy móc, năng lực xét nghiệm của CDC Đà Nẵng tăng hơn gấp 10 lần, từ 500 - 700 mẫu lên mức 8.000 - 10.000 mẫu/ngày. “Nhiều ngày liền chúng tôi làm việc đến 12 giờ đêm và hầu như chỉ có chút thời gian tranh thủ ăn trưa, ăn tối”, bác sĩ Hằng cho hay.
Cùng với các bác sĩ, những điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân nguy cơ bị lây bệnh rất cao. Điển hình như bệnh nhân 465, Khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng; bệnh nhân 990, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) không may bị lây Covid-19 từ bệnh nhân.
Áp lực công việc ở tiền tuyến thật khủng khiếp. Ngay cả khi không phải mặc bộ “phi hành gia”, một người giàu kinh nghiệm với gần 20 năm công tác tại Trạm Y tế Hòa Minh là điều dưỡng Đặng Thị Thu Hà, cũng bị ngất xỉu, phải thở ô-xy. Hơn một tuần liền đi khắp nơi để truy tìm F1 và tuyên truyền người dân đi cách ly dưới cái nắng gắt xen mưa bất chợt đã vắt kiệt sức chị.
Trong cuộc chiến chống dịch ngoan cường, thật cảm động biết bao khi hàng loạt nữ y, bác sĩ hy sinh mái tóc dài để hạn chế nhiễm khuẩn và dễ dàng mặc đồ bảo hộ, khẩu trang N85...
Và sau ca làm, những cán bộ y tế phải xa gia đình chi viện cho Đà Nẵng, ai cũng có nỗi niềm riêng. Như điều dưỡng trưởng Trần Thị Hồng Hà khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) lên đường đúng lúc chồng vừa phẫu thuật xong ung thư. “Đoàn Hải Phòng dự kiến ngày 8/8 xuất phát, nhưng tình thế khẩn cấp, sáng 5/8 chúng tôi lên đường tới Đà Nẵng luôn. Lúc đó, tôi xác định ở lại 1- 3 tháng, tình hình dịch ổn định mới quay về nên áy náy vô cùng. Thật may, chồng tôi luôn nói anh khỏe lắm, em hãy yên tâm và bảo trọng”, chị tâm sự.
Nhưng có lẽ, áp lực lớn nhất đối với những chiến sĩ áo trắng không phải công việc hiểm nguy hay khó nhọc, mà là khi phải đối diện với cái chết của bệnh nhân. Điều dưỡng Mai Bá Thu, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế nhớ như in đêm trực lịch sử, ngày 30/7. Một ca nặng từ Đà Nẵng chuyển đến, liên tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn hơn 1 giờ ngay trên băng ca xe. Nhưng sau bao nỗ lực vẫn không thể níu giữ bệnh nhân. Đó là ca tử vong đầu tiên mắc Covid-19 ở nước ta. "Một đồng nghiệp trẻ của tôi bị ám ảnh về sự đau khổ của người nhà bệnh nhân tới nỗi nhiều đêm gặp ác mộng", anh Thu chia sẻ.
Ngày chiến thắng sẽ không xa
Đối đầu trực diện với Covid-19, những người hùng áo trắng mang trên mình bao gánh nặng, nhưng họ vẫn luôn tìm được niềm vui trong chính công việc đầy áp lực này. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang kể với đôi mắt lấp lánh: “Hàng tuần liền, chúng tôi theo dõi sát tình hình và sẵn sàng đỡ đẻ cho bệnh nhân 569 - một trong 3 thai phụ đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Thật may, ca mổ thành công trong chưa đầy 15 phút, mẹ tròn con vuông”.
Còn với bác sĩ Kiều Hạnh (Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng), niềm vui đơn giản là đêm khuya, sau ca trực mệt nhoài, được đọc những tin nhắn đầy yêu thương của người thân, bạn bè; được mở quà của người nhà, của mạnh thường quân, của đội công tác xã hội tiếp tế và nhớ về những lời cảm ơn, lời mời từ bệnh nhân: “Khi nào hết dịch bác sĩ đến nhà tôi ăn cơm nhé!”.
Và chắc hẳn, video bác sĩ Nguyễn Quý Thiện (Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện C Đà Nẵng) đàn và hát ca khúc "Đà Nẵng ngày bão dông" do vợ ông - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) sáng tác thơ, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc, được không ít chiến sĩ áo trắng bật nghe khi có thể. Những ca từ đẹp do ca sĩ không chuyên cất lên sau giờ ăn trưa, trong phòng trực đầy da diết, chất chứa nỗi niềm. Sự mộc mạc và tinh thần lạc quan khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt.
Bác sĩ Trịnh Minh Thế, Trưởng khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện C Đà Nẵng), người góp mặt trong video chia sẻ: “Anh em đăng clip lên facebook cá nhân để giảm căng thẳng, để mọi người thấy sự lạc quan, quyết tâm của chúng tôi trong trận chiến này và tin tưởng một ngày gần nhất anh lại về bên em. Thật bất ngờ, sau mấy chục phút đã có hàng ngàn lượt thích và chia sẻ”.
“Hãy tin tưởng vào chúng tôi!”, đó cũng là điều PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu muốn gửi gắm. Ông nói: “Người Việt Nam can trường, thông minh và thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Người này mệt lùi lại phía sau, sẽ có người khác tiến lên thay vị trí. Hãy tin tưởng và hỗ trợ chúng tôi bằng chính sự trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.
Bản hùng ca về những người chiến sĩ áo trắng nơi tiền tuyến vang vọng, chạm vào rung cảm sâu xa, để mỗi người Việt thêm đoàn kết, trách nhiệm, thêm yêu quê hương, đất nước. Và tin rằng, ngày chiến thắng sẽ không xa.
Nữ bác sĩ hoãn cưới lần hai, xung phong vào tâm dịch
"Tôi xung phong tăng viện cho Đà Nẵng và được bệnh viện lựa chọn. Khi ấy, dù hai gia đình đã chốt tổ chức đám cưới ngày 7/9 dương lịch, mọi công việc cũng đã chuẩn bị, nhưng vì lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi thuyết phục hai gia đình hoãn cưới lần hai. Lần đầu đám cưới hoãn vì giãn cách xã hội để tránh lây lan Covid-19. Thật may, tôi được bố mẹ, người thân, bạn bè hai bên và đặc biệt là chồng tương lai ủng hộ, khích lệ. Anh bảo: “Đất nước đang cần y, bác sĩ hơn bao giờ. Anh tự hào vì em đã xung phong và được chọn vào tiền tuyến chống dịch. Hãy yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhé, anh sẽ chờ em”. Tôi hạnh phúc và được tiếp thêm sức mạnh để gác lại tình riêng, quyết chiến đấu và chiến thắng đại dịch. Tôi mong Covid-19 sớm bị khống chế, để tất cả mọi người được đoàn tụ với gia đình và tôi sẽ hoàn thành việc lớn của đời mình”.
Bác sĩ Cao Thị Kim Băng (sinh năm 1992), Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An