Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong những cơ sở tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân và người nghi nhiễm Covid-19. |
Điều hạnh phúc nhất
Chúng tôi gặp bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) vào một buổi sáng cuối tháng Hai, nắng xuân ấm áp xua tan chuỗi ngày dài mưa phùn ẩm ướt. Trong chiếc áo blu trắng, ông đi đi, lại lại trước cửa phòng làm việc, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười. Thì ra, trong lúc đợi sàn phòng làm việc khô sau khi sát khuẩn, vị bác sĩ nghĩ tới ánh mắt rạng ngời đầy vui sướng của những bệnh nhân chiến thắng Covid-19 tại Khoa Cấp cứu trong ngày được trở về với gia đình. Đó cũng là những phút giây mà ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
“Vậy là đã tròn 4 tuần kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Corona (chủng mới) đầu tiên, đến nay, cả 5 bệnh nhân đã được ra viện. Đó là khoảng thời gian với bao kỷ niệm, xúc cảm về tình yêu thương gia đình, tinh thần đồng đội, tình cảm bạn bè… với những câu chuyện buồn, vui đan xen, mà tôi sẽ chẳng thể nào quên”, bác sĩ Cấp tâm sự.
Gần một tháng qua, ngoài việc căng mình chống dịch Covid-19, những “chiến binh áo trắng” của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) còn chịu rất nhiều áp lực về công tác hậu cần, vì chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân, hoặc của chính các nhân viên y tế.
Hơn ai hết, họ luôn ý thức rằng, khi dịch bùng phát ở quy mô toàn cầu, cả thế giới phải cùng chung tay. Đặc biệt, trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19 lần này, với nguồn lực thấp hơn so với nhu cầu, cần phải phân phối khéo léo để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đó là phương pháp quan trọng trong tất cả các hoạt động chống dịch.
Áp lực “nơi đầu sóng, ngọn gió”
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người đến khám và điều trị Covid-19 được chia ra hai nhóm, một là những người trong diện nghi ngờ, cách ly theo dõi và hai là bệnh nhân dương tính với virus. Bác sĩ Cấp chia sẻ, dù đã quán triệt với những người đang được điều trị, theo dõi rằng, “tất cả chúng ta đang cùng một chiến hào chống dịch, mà chống dịch thì khác với chữa bệnh thông thường”, nhưng cũng có một số người không hiểu thấu vấn đề.
“Khi xảy ra chiến tranh hay thảm họa, điều cần nhất không phải là chiếc giường êm ái, mà là sự an toàn. Trong chống dịch cũng vậy, bệnh nhân khó đạt được sự thoải mái, dễ chịu. Lúc này, chúng tôi chỉ có thể cung cấp những dịch vụ đạt ngưỡng an toàn ở mức tối đa”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Nói đến đây, giọng bác sĩ Cấp bỗng trầm hơn. Ông kể, các bệnh nhân mắc bệnh rất hợp tác và tuân thủ quy định, nhưng không ít người trong diện cách ly, sàng lọc lại khiến cán bộ y tế phiền lòng. Đang đi du lịch, hoặc có kế hoạch riêng, giờ phải cách ly với cuộc sống bên ngoài, chấp nhận các dịch vụ tối thiểu…, nên có người lo lắng thái quá, có người lại không hợp tác.
Quả thực, nghe bác sĩ Cấp chia sẻ, chúng tôi mới thấy, những câu chuyện bếp núc, hậu trường đằng sau công tác điều trị chuyên môn cực kỳ căng thẳng.
Nếu điều trị bình thường, các bác sĩ có thể thường xuyên quan tâm, động viên để bệnh nhân yên tâm, thoải mái, nhưng khi điều trị dịch, họ không được phép làm như vậy. “Có người gọi đến đường dây nóng phản ánh rằng, cả quá trình khám, không thấy bác sĩ hỏi han. Về mặt nguyên tắc, khi điều trị dịch, chúng tôi cố gắng tiếp xúc với người bệnh càng ít, càng tốt”, bác sĩ Cấp lý giải.
Ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị cho người bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế phải đối diện với nguy cơ có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng điều đó không làm họ lo sợ. Dịch bệnh nguy hiểm bao nhiêu, các “chiến binh áo trắng” lại can trường, bền bỉ và quả cảm bấy nhiêu để giành giật sự sống cho người bệnh.
Nhưng, điều họ cảm thấy buồn nhất chính là tình trạng tin giả, tin nhảm và thông tin lộn xộn, gây rối, khiến xã hội bị nhiễu loạn, tạo ra lo lắng thái quá, hoặc ngược lại, khiến người dân chủ quan. Thậm chí, những thông tin sai lệch còn lan đến cả khu vực điều trị cách ly, gây phân tán, lãng phí nguồn lực.
Chẳng hạn, thay vì tập trung chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh, thì các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lại phải phân công nhau để giải thích cho hàng chục người kéo đến bệnh viện vì lo lắng. Thậm chí, có đối tượng cố tình gây sự để quay clip nhân viên y tế phản ứng lại và đăng lên mạng xã hội nhằm câu view, câu like, tạo thêm áp lực cho họ.
Nhưng, càng khó khăn, gian khổ, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu lại càng đoàn kết, gắn bó và nêu cao y đức. Bác sĩ Cấp cho rằng, loài người nói chung và ngành y nói riêng chưa bao giờ triệt tiêu được dịch bệnh. Trong môi trường sống tự nhiên, diệt được virus này, virus khác sẽ xuất hiện, thậm chí, có những virus tưởng đã bị ngăn chặn, nhưng khi gặp yếu tố thuận lợi, chúng có thể bùng phát trở lại.
“Chiến thắng virus nguy hiểm qua những trận đánh là cách chúng ta tồn tại. Do đó, chúng tôi luôn phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh cũ và mới”, bác sĩ Cấp nói.
Những “chiến binh” thầm lặng
Từ Tết Nguyên đán đến nay, bác sĩ Cấp chưa về nhà, bởi công việc bộn bề tại bệnh viện và cũng là hạn chế nguy cơ lây nhiễm với gia đình. Công việc của ông bắt đầu rất sớm, hết ghi nhận tình hình, lại họp lãnh đạo, thăm hỏi bệnh nhân, trao đổi với những bác sĩ trực tiếp điều trị, rồi cung cấp thông tin cho báo chí, hỗ trợ các đơn vị, tìm kiếm thông tin mới, nghiên cứu về dịch bệnh...
Đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng tôi còn trò chuyện với rất nhiều y, bác sĩ, người lao động của Khoa Cấp cứu.
Hướng dẫn chúng tôi đăng ký danh sách khách tới Bệnh viện là bảo vệ Nguyễn Văn Thuyết (sinh năm 1963, trú tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ông Thuyết kể, từ khi có dịch Covid-19, các cán bộ, công nhân viên tại Bệnh viện đều phải tăng ca. Khoa cấp cứu thực hiện sát khuẩn 4 lần/ngày, ai cũng được trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. “Ở đây, tôi thấy yên tâm hơn ở nhà. Đội bảo vệ vẫn nói đùa với nhau rằng, nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, ông Thuyết cười và nói.
Trong khi đó, chị lao công Nguyễn Thị Ánh tất bật hơn rất nhiều so với ngày thường, vì phải thường xuyên sát khuẩn khắp các giường bệnh, sàn nhà, hành lang, cánh cửa… trong trang phục bảo hộ có phần bí bách. Điều dưỡng Trần Thị Phương Thủy chia sẻ với chúng tôi: “Trong trang phục bảo hộ, các y, bác sĩ phải nhịn uống nước, đi vệ sinh nhiều giờ, sau đó phải sát khuẩn, tắm rồi mới được ăn uống, nghỉ ngơi, nên rất bất tiện”.
Đến nay, Việt Nam đã đối phó khá hiệu quả với dịch Covid-19, nhưng với mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và những diễn biến khó lường hiện nay, đội ngũ “chiến binh áo trắng” vẫn đang ngày đêm kiên gan, mạnh mẽ đấu tranh với dịch bệnh để bảo vệ sự sống của người dân. Chúc cho bác sĩ Cấp nói riêng và đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam nói chung luôn vững vàng và chiến thắng trong mọi trận chiến.