Bất chấp thị trường bán lẻ chững lại, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của PNJ vẫn lần lượt tăng 81% và 71% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 8.058 tỷ đồng và 378 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, PNJ ghi nhận doanh thu thuần tăng 56% lên 18.210 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 48% lên 1.088 tỷ đồng. PNJ đã hoàn thành 70,5% kế hoạch doanh thu và 82,5% kế hoạch lợi nhuận đề ra hồi đầu năm.
Ban lãnh đạo công ty dự báo với tinh thần không ngừng tái tạo và tăng tốc mạnh mẽ của toàn hệ thống thì mục tiêu doanh thu 25.835 tỷ đồng và lợi nhuận 1.320 tỷ đồng có thể được chinh phục sớm trong quý tới.
Cơ cấu doanh thu của PNJ biến động nhẹ trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, bán sỉ giảm tỷ trọng đóng góp doanh thu từ 14,2% còn 11,8%. Thay vào đó, vàng miếng tăng từ 26,6% lên 28,2% và bán lẻ tăng từ 56,8% lên 58,6%.
Đây đồng thời là hai kênh có mức tăng trưởng doanh số so với cùng kỳ cao nhất. Cụ thể, doanh thu vàng miếng tăng gần 66% bởi giá vàng tăng và khách hàng có nhu cầu tìm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng cao.
Doanh thu bán lẻ tăng xấp xỉ 62% bởi sự tổng hoà của nhiều yếu tố như nguồn thu mới từ những điểm bán vừa khai trương, các cửa hàng hiện hữu duy trì sức tiêu thụ tốt.
Một phần nhờ hoạt động marketing được triển khai linh hoạt với nhiều cách tiếp cận độc đáo, danh mục sản phẩm cho từng điểm bán phù hợp với thị hiếu của khách hàng nhờ cải thiện năng lực dự báo và phân bổ hàng hoá…
Không chỉ doanh thu chuyển biến khả quan, chi phí hoạt động sáu tháng đầu năm cũng được tối ưu. Tỷ lệ chi phí trên lợi nhuận gộp giai đoạn này là 54,6%, giảm một điểm phần trăm so với cùng kỳ vì áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ vào bán hàng và quản lý.
Tính đến cuối tháng 6/2022, hệ thống của PNJ đã bao phủ 56 tỉnh, thành phố với 351 cửa hàng độc lập. Công ty mở mới 16 cửa hàng và nâng cấp 11 cửa hàng PNJ Gold trong nửa đầu năm, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi này lên 332.
PNJ Style cũng tăng sự hiện diện khi có thêm 2 cửa hàng mới, nâng tổng số lên 4 cửa hàng.
SSI Research đưa ra nhận định, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức vàng trong 6 tháng cuối năm 2022, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau COVID-19, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát ở Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như đồ trang sức vàng.
Vì vậy, nhu cầu về trong sức vàng trong năm 2023 được cho rằng, khó có thể vượt mức trước COVID-19. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong hai năm qua.
Do đó, các công ty hàng đầu như PNJ đã ghi nhận doanh thu vượt xa mức năm 2019. Năm 2023, doanh thu của PNJ được dự báo sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, mặc dù sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng năm 2022.
Kết quả kinh doanh phục hồi mạnh sau hai năm đại dịch đã tác động tích cực đến giá cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán.
PNJ xác lập mức đỉnh 130.000 đồng vào đầu tháng 6, sau đó điều chỉnh nhẹ. Chốt phiên giao dịch 21/7 tại 114.600 đồng, tăng gần 18% so với thời điểm đầu năm.