Các ngân hàng đang cố gắng xử lý nợ xấu để giảm chỉ tiêu bán nợ cho VAMC, nhằm giảm trích lập dự phòng rủi ro |
Hạn cuối bán nợ là ngày 31/8
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đến cuối năm nay đưa tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng về dưới 3%. NHNN đã giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM (gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC).
Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết và nghiêm túc thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu.
Cụ thể, đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý, đến ngày 31/7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu đó cho VAMC trong tháng 8 và 9/2015.
Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho tổ chức này và đến ngày 31/8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm.
Theo lãnh đạo Saigonbank, chỉ tiêu nợ xấu bán cho VAMC trong năm nay là 500 tỷ đồng, trong thời gian qua, Ngân hàng từng bước rà soát nợ để bán nợ xấu cho VAMC đúng thời hạn nói trên, đưa nợ xấu từ gần 5% cuối năm 2014 về dưới 3%.
Eximbank cho hay, năm 2014, Ngân hàng đã bán 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, 6 tháng đầu năm nay bán gần 2.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Eximbank sẽ bán hơn 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Ngân hàng kỳ vọng, thị trường bất động sản hồi phục sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu, giảm trích dự phòng rủi ro.
Tại DongA Bank, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và kế hoạch cả năm là bán 7.000 tỷ đồng. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, Ngân hàng đang cố gắng xử lý nợ xấu để giảm chỉ tiêu bán nợ cho VAMC, nhằm giảm trích lập dự phòng rủi ro.
Maritime Bank cho biết, năm 2014, Ngân hàng bán hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và chuyển một số khoản nợ thành vốn góp cổ phần của doanh nghiệp vay; tổng sử dụng dự phòng xử lý rủi ro là 541 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2014 là 2,61%. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập MekongBank, nợ xấu của Maritime Bank sẽ tăng, nợ xấu bán cho VAMC sẽ nhiều hơn.
VIB dự kiến sẽ xử lý được 3.835 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015, đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 2,5%, trong đó bán cho VAMC 2.209 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn
Chính vì nợ xấu phải bán theo chỉ tiêu nhiều, dẫn đến dự phòng tăng, nên kế hoạch lợi nhuận năm nay của các ngân hàng có phần khiêm tốn. HĐQT Maritime Bank sau sáp nhập thừa nhận, gánh nặng giải quyết nợ xấu khiến lợi nhuận của Ngân hàng bị ảnh hưởng.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng của Ngân hàng năm 2015 là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) chỉ là 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014.
Tương tự, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Eximbank cho biết, năm nay, Eximbank phải trích trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho trái phiếu đặc biệt nhận lại sau khi bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015 là không dễ thực hiện, dù 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận.
Tại Sacombank, theo kịch bản dự kiến, sau khi sáp nhập Southern Bank, với khoản nợ xấu trên 4.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro của Sacombank sẽ tăng.
Năm 2015, Sacombank sẽ trích lập dự phòng hơn 1.800 tỷ đồng, năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 là trên 5.200 tỷ đồng, nhằm xử lý dứt điểm nợ xấu và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% ngay từ năm đầu tiên sáp nhập.
Vì vậy, Sacombank dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập ở mức thấp: lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng), năm 2017 là 1.333 tỷ đồng (sau thuế 1.039 tỷ đồng). Hiện nợ xấu của Sacombank là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank xấp xỉ 6%.
DongA Bank cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đạt 102 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng. Do nợ xấu tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro cao nên khó kỳ vọng lợi nhuận cao. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế DongA Bank đề ra cho năm 2015 là 200 tỷ đồng.
Saigonbank dự kiến trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2015 tăng lên 186 tỷ đồng nên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đề ra cho năm nay ở mức 50 tỷ đồng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có quy mô vốn 3.000 tỷ đồng tại TP. HCM chia sẻ, chỉ tiêu nợ xấu Ngân hàng phải bán cho VAMC trong năm nay là 500 tỷ đồng. Chỉ với khoản nợ xấu bán trong năm nay đã đòi hỏi dự phòng 100 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô Ngân hàng còn nhỏ, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hàng năm chỉ là 200 tỷ đồng.
Theo vị phó tổng giám đốc trên, các ngân hàng không muốn bán nợ xấu nhiều, vì dự phòng sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận, trong khi trách nhiệm xử lý nợ vẫn thuộc về ngân hàng. VAMC không thể thay ngân hàng xử lý khi chưa có đầu ra cho nợ xấu.
Thực tế, bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải chấp nhập giảm lãi dự thu không nhỏ. Chẳng hạn, với SCB, với khoản nợ xấu 4.000 tỷ đồng dự kiến bán cho VAMC trong năm nay, Ngân hàng giảm lãi dự thu 450 tỷ đồng. Mặt khác, khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại nên áp lực lợi nhuận là rất lớn đối với các ngân hàng.
Tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC hiện nay đã lên đến gần 15.000 tỷ đồng, khoản dự phòng phải trích lập là 3.000 tỷ đồng/năm, nên việc kỳ vọng lợi nhuận ở mức cao là không thể.