Tại Cần Thơ đang diễn ra Hội nghị bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm.. |
Ngày 4/8, tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng chủ trì.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành gồm: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, cùng tập trung vào một loạt nội dung lớn, đang là "điểm nóng" của ngành lúa gạo.
Trong đó, đánh giá kết quả xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm năm 2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023; triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo; Đánh giá tình hình sản xuất lúa, gạo vụ Hè Thu năm 2023 và kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông năm 2023 (diện tích, sản lượng theo mùa vụ, cơ cấu, chủng loại thóc, gạo); cân đối lượng thóc, gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu.
Hội nghị cũng thông tin tình hình dự trữ quốc gia và kế hoạch dự trữ quốc gia đối với mặt hàng gạo năm 2023; thông tin khả năng hỗ trợ tín dụng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất là vào vụ thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023…
Đặc biệt, hội nghị sẽ đánh giá bối cảnh thương mại gạo toàn cầu, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống, trọng điểm đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.
Cũng tại hội nghị sẽ triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030; đồng thời lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan về dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Gạo là điểm sáng xuất khẩu của nước ta, 7 tháng 2023, ngành hàng này đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Triển vọng ngành gạo được đánh giá là tích cực trong các tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, và lệnh hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia.
Mới nhất, các quốc gia Ấn Độ, Liên bang Nga, UAE đều đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều này đã tác động nhiều đến thị trường toàn cầu, đẩy giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Việt Nam bật tăng mạnh.
Các yếu tố này đẩy giá gạo xuất khẩu trên thị trường tăng vọt. Trong vài ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ mức 515 - 525 USD/tấn của trung tuần tháng 7 lên mức 550 - 575 USD/tấn vào cuối tháng 7 và tiến sát mức 600 USD trong những ngày đầu tháng 8/2023.
Còn năm nay, dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa (thậm chí có thể nhiều hơn), dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, diễn biến giá gạo thế giới tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cần phải tận dụng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.
Bộ đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương những nhiệm vụ cụ thể và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi Chỉ thị được ban hành, các Bộ ngành và địa phương sẽ tập trung các giải về kỹ thuật, hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để tăng cường xuất khẩu gạo.