. |
Từ khởi đầu là xây dựng và phát triển Khu công nghiệp Mỹ Tho với diện tích 79 ha vào cuối năm 1997 nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tiền Giang theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch 7 Khu công nghiệp với diện tích 2.080,47 ha, gồm: Khu công nghiệp Mỹ Tho, Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Long Giang, Khu công nghiệp Tân Phước 1 và Khu công nghiệp Tân Phước 2.
Trong số này, có 4 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 1.101,47 ha chiếm 52,94% đất quy hoạch Khu công nghiệp; trong đó có hai Khu công nghiệp đã lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê là Khu công nghiệp Mỹ Tho (79,14 ha) và Tân Hương (197,33 ha). Còn lại là Khu công nghiệp Long Giang (540 ha) đã lấp đầy 68% diện tích đất cho thuê và Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp lấp đầy 13%.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã quy hoạch 2 Vùng công nghiệp tập trung là Vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước (4.082 ha) và Vùng công nghiệp khu vực Gò Công(12.006,21 ha),.
Tính đến cuối 2017, 3 Khu công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được 92 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 42.616,34 tỷ đồng (trong đó 65 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 1.879,44 triệu USD), diện tích cho thuê đạt 64,12% đất công nghiệp, có 77 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 14 dự án đang xây dựng, giải quyết việc làm cho 83.296 lao động.
Quá trình phát triển. Khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào công nghiệp của Tiền Giang, Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 109.523,7 tỷ đồng chiếm 65% giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh; xuất khẩu bình quân đạt 3.888,90 triệu USD chiếm 86% xuất khẩu của tỉnh; thuế bình quân đạt 4.340,20 tỷ đồng chiếm gần 50% so với thuế của tỉnh.
Khoảng 70% lao động làm việc tại các Khu công nghiệp là dân địa phương, Mức lương bình quân (gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) của người lao động là 6.200.000đồng/người/tháng.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp luôn đồng hành và sẵn sàng phục vụ
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang được thành lập tại Quyết định số 1070/1997/QĐ -TTg ngày 12/12/1997 để thực hiện chức năng quản lý các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời được các Bộ, ngành trung ương ủy quyền một số nhiệm vụ tại các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại, lao động…
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang có tư cách pháp nhân, có tài khoản, và có con dấu hình Quốc huy.
Năm 2013, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang quản lý thí điểm các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đã ủy quyền cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang một số quyền như cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cấp giấy phép xây dựng; tiếp nhận, chủ trì họp Tổ thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quyết định Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp.
Lúc mới thành lập, Tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang với bộ khung 3 cán bộ lãnh đạo và 10 biên chế với trình độ đại học 90%... Khi đó, dù khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, biên chế, cơ chế chính sách nhưng tập thể Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang luôn đoàn kết, không ngừng học hỏi, động viên nhau khắc phục khó khăn, nổ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý đã được hoàn thiện với 44 biên chế, được bố trí vào 06 phòng nghiệp vụ và 01 đơn vị sự nghiệp có thu như: Văn phòng, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Doanh nghiệp, Phòng Quản lý Lao động, Phòng Quản lý Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý Quy hoạch - Xây dựng và Công ty Phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp Tiền Giang… với hơn 90% cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên (trong đó trên đại học đạt 15%), đáp ứng tốt yêu cầu công tác.
Đảng bộ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang với 33 đảng viên của 3 Chi bộ trực thuộc, Công đoàn cơ sở có 57 công đoàn viên, Chi đoàn có 12 đoàn viên. Tập thể Đảng ủy Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang luôn xây dựng và đoàn kết trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Hàng năm, Đảng bộ và các tổ chức đoàn đều được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, công nhận vững mạnh.
Nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được Đảng và nhà nước khen thưởng: Huân chương lao động hạng 3 cho Tập thể Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang và 5 cá nhân; bằng khen Chính phủ cho 3 tập thể và 11 cá nhân; bằng khen Bộ kế hoạch và Đầu tư cho 3 tập thể và 8 cá nhân; bằng khen UBND tỉnh cho 5 tập thể và 26 cá nhân.
Qua 20 năm quản lý các Khu công nghiệp, với phương châm “Luôn đồng hành và sẵn sàng phục vụ”, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang đã luôn thực hiện tốt phương châm “sẵn sàng phục vụ”, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, thủ tục hành chính nhanh, đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh đạt kết quả cao... Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang luôn xem công việc của các doanh nghiệp là công việc của mình, khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình… từ đó luôn tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh các vấn đề khó khăn của các nhà đầu tư, tạo được lòng tin tuyệt đối của các nhà đầu tư khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước. Chính vấn đề này cũng là cầu nối trong công tác xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp hiệu quả nhất.
Một góc Khu công nghiệp tại Tiền Giang |
Định hướng cho tương lai
Ông Cao Minh Tâm, Trưởng ban, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang cho biết, những kết quả đạt được giai đoạn 1997-2017, là nền tảng quan trọng để tiếp tục tổ chức thực hiện thành công kế hoạch phát triển các Khu công nghiệp định hướng đến 2020 - 2030. Từ kinh nghiệm triển khai quy hoạch Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh đã quy hoạch các Khu công nghiệp tiếp theo đều gắn với quy hoạch khu tái định cư như Khu công nghiệp Tân Hương có quy hoạch Khu tái định cư Tân Hương 40 ha, Khu công nghiệp Long Giang có khu dịch vụ 60 ha…
Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ thu hút dự án đầu tư theo hướng ưu tiên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: ngành điện tử-tin học, ngành cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp... ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động để phát triển các Khu công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững; đồng thời phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo an ninh trật tự và quốc phòng an ninh.
Dự kiến, đến năm 2020, Tiền Giang sẽ lắp đầy 100% diện tích đất công nghiệp Khu công nghiệp Long Giang, phát triển và lắp đầy 80% diện tích đất công nghiệp Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp. Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp Tân Phước 1, Bình Đông, Tân Phước.