Bài cũ soạn lại…
Cũng giống như 4 năm trước, khi MP & Silva (đơn vị phân phối bản quyền phát sóng World Cup 2014) chào bản quyền với giá 10 triệu USD, VTV đã “câu giờ” kéo dài thời gian và cuối cùng họ đã mua lại bản quyền với giá 7 triệu USD.
Mùa World Cup 2018 này, Infront Sports & Media - đơn vị phân phối bản quyền phát sóng World Cup 2018 tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đã thế chỗ MP & Silva và đưa ra cái giá cao ngất ngưởng 15 triệu USD. Và tất nhiên, VTV từ chối, đưa ra cái giá 4 triệu USD.
. |
VTV có lợi thế lớn trong cuộc đàm phán này. Thứ nhất, họ là đơn vị duy nhất mua bản quyền. Thứ 2, theo quy định của FIFA, bản quyền phát sóng vòng chung kết World Cup 2018 sẽ được phát sóng quảng bá rộng rãi cho người dân ở các quốc gia là thành viên của FIFA xem. Cũng bởi quy định của FIFA buộc các đơn vị tham gia phải phát World Cup trên kênh quảng bá, do đó, 4 năm trước, MP & Silva không thể tìm đối tác là các công ty kinh doanh truyền hình trả tiền khác ngoài VTV.
Kịch bản năm xưa đã tái hiện. Rất có thể, chỉ vài ngày nữa, việc công bố bản quyền phát sóng World Cup 2018 sẽ được tiến hành và một lần nữa, VTV lại “chiến thắng” theo cách của họ.
VTV sẽ giàu nhờ World Cup
Việc VTV phải mua và phát sóng World Cup được coi là trách nhiệm của nhà đài truyền hình quốc gia. Nhưng World Cup không phải là gánh nặng, mà đó chính là “mỏ vàng” nếu VTV khai thác thành công.
Các chuyên gia trong ngành ước tính, khai thác hiệu quả tối đa, doanh thu quảng cáo của VTV rất lớn.
Còn nhớ World Cup 2014 tại Brazil, giá quảng cáo trên sóng truyền hình trước, trong và trận đấu Chung kết giữa Đức và Argentina là 350 triệu đồng/30 giây, tương ứng 11,7 triệu đồng mỗi giây và nếu quảng cáo 15 giây thì có giá 210 triệu đồng. Đây là mức giá quảng cáo cao kỷ lục mà VTV từng thu được, nhờ vào World Cup.
Ước tính của các chuyên gia cho thấy, doanh thu quảng cáo từ 64 trận đấu World Cup 2014 đã mang lại cho VTV chừng 1.000 tỷ đồng doanh thu quảng cáo, tương đương 50 triệu USD, gấp 7 lần so với số tiền đã bỏ ra mua bản quyền.
Giả định trường hợp VTV mua được bản quyền phát sóng World Cup 2018 với giá họ kỳ vọng, VTV vẫn bị ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh bán quảng cáo (là nguồn thu duy nhất của họ). Nguyên nhân là việc có bản quyền muộn thì việc lên kế hoạch, chào mời, bán quảng cáo… sẽ gấp rút và không có nhiều thời gian để bộ phận kinh doanh đàm phán với khách hàng. Biến số rủi ro này có thể sẽ khiến việc khai thác quảng cáo của VTV bị ảnh hưởng.
Đau đầu với vi phạm bản quyền
Ngoài biến số về doanh thu, VTV còn phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối không kém là vi phạm bản quyền. Nạn vi phạm bản quyền là “vết đen” mà tất cả các nhà đài Việt Nam đều phải hứng chịu. Năm 2017, VTVcab bị đối tác đơn phương chấm dứt cung cấp sóng UEFA Champions League UEFA Europa League và yêu cầu đền bù khoản tiền lớn do để các trang web vi phạm bản quyền phát miễn phí.
Các đối tác có bản quyền các giải bóng đá lớn cho biết, nếu VTV và các nhà đài Việt Nam không ngăn chặn được vấn nạn vi phạm bản quyền, thì sẽ rất khó để đàm phán về bản quyền truyền hình tại các kỳ World Cup hay EURO tiếp theo.
Trên Facebook của mình, bình luận viên Trương Anh Ngọc cho rằng, nỗi lo của các đài truyền hình khi mua bản quyền truyền hình các giải bóng đá không phải là có mua được hay không, mà là làm thế nào để bản quyền ấy không bị xâm phạm. Những gì xảy ra với VTVCab khi bị dừng phát các cúp châu Âu từ mùa trước vẫn còn nóng hổi và nỗi lo lắng không phải là vô cớ khi mùa World Cup đã cận kề. Một khi hình ảnh các trận đấu có thể bị xâm phạm theo nhiều cách khác nhau, thì quyền lợi của hàng triệu người hâm mộ sẽ bị ảnh hưởng chỉ vì những thói quen xấu.