Doanh nghiệp
Mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA: Tiền không phải là tất cả
Hữu Tuấn - 13/03/2018 14:01
Câu chuyện thú vị phía sau việc K+ mua được bản quyền UEFA Champions League và UEFA Europa League.

Thương vụ khó, giá hời

Việc K+ mua được bản quyền độc quyền phát sóng 3 mùa giải UEFA Champions League và UEFA Europa League từ nay đến năm 2021 đã gây ngỡ ngàng cho ngành truyền hình trả tiền, bởi đây là một “thương vụ” khó nhiều bề.

Nhưng điểm gây ngỡ ngàng hơn cả là K+ đã không chỉ mua được, mà còn mua được với mức giá “rất hời”. Mặc dù K+ không tiết lộ mức giá cụ thể, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, K+ đã mua được bản quyền với giá bỏ thầu thấp hơn một số đơn vị khác.

.

Đây không phải là lần đầu tiên, K+ mua được bản quyền với giá bỏ thầu thấp hơn đối thủ. Năm 2016, trong cuộc đấu giá mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016 - 2019, giá tiền mà K+ bỏ ra thấp hơn số tiền mà Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) và Ban Đàm phán mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh dự kiến trong cam kết. 

Một câu chuyện khác, nhiều doanh nghiệp, hãng phim Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với các nhà sản xuất quốc tế đề nghị mua phim “bom tấn” hay liên kết cung cấp phim truyện qua Internet, nhưng đối tác nước ngoài đã từ chối hợp tác.

Vì sao người trả giá thấp lại trúng thầu?

Vì sao lại có chuyện “ngược đời” là không bán cho người trả giá cao hơn?

Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), khi bán bản quyền cho bất cứ đơn vị nào, đơn vị đó, ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng, còn có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào.

Chính vì vậy, cùng với giá bỏ thầu thì cam kết không để xảy ra vi phạm bản quyền truyền hình là một yêu cầu quan trọng. Cùng với đó, “hồ sơ năng lực”, các giải pháp kỹ thuật… cũng phải được chứng minh. Cuối cùng là điểm số về uy tín, kinh nghiệm.

Trong câu chuyện này, K+ đã “ghi điểm” trong việc đảm bảo phát sóng, không để xảy ra vi phạm bản quyền, được chứng minh sau 8 năm mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh (từ năm 2010 đến nay).

Đúng như ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ tiết lộ: “Chúng tôi tiến hành bỏ thầu và có lợi thế nhất định so với các đơn vị khác do đã có uy tín nhiều năm qua với đối tác quốc tế và khả năng kiểm soát tốt bản quyền”.

Ông Lê Chí Công cũng cho biết, K+ đã có nhiều kinh nghiệm gắn với việc kiểm soát rất tốt bản quyền Ngoại hạng Anh, La Liga… suốt thời gian qua. Thêm nữa, K+ chỉ thuần túy làm truyền hình số vệ tinh, nên việc kiểm soát cũng dễ hơn các đơn vị khác làm cả truyền hình analog…

K+ vào cuộc chiến bảo vệ bản quyền

Ngày 7/3, ngay sau khi phát sóng trực tiếp các trận đấu đầu tiên của Giải UEFA Champions League, một website đã truyền hình trực tiếp (live streaming) trận đấu trên trang web của họ. Sự việc đã bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và triệu tập đơn vị này lên làm việc, xử lý.

Đây được coi là một động thái thể hiện sự cứng rắn, quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhà nước đối với tình trạng vi phạm bản quyền. Được biết, ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), Cục An ninh thông tin truyền thông (Bộ Công an)… cũng sẵn sàng vào cuộc ngay khi phát hiện vi phạm bản quyền truyền hình. Rất có thể, những biện pháp mạnh, những chế tài nặng sẽ được áp dụng đối với các đơn vị vi phạm bản quyền.

Trên thực tế, K+ là đơn vị có quyết tâm bảo vệ bản quyền cao. Được biết, K+ đã lên đầy đủ các kịch bản, kỹ thuật, pháp lý cho câu chuyện bảo vệ bản quyền của mình và sẵn sàng “ra quân” ngay khi có dấu hiệu vi phạm.

Câu chuyện chống vi phạm bản quyền không chỉ của cơ quan nhà nước và K+. Bởi lẽ, nếu không muốn bị “cắt sóng”, ngừng hợp đồng, như VTVcab, thì người xem truyền hình cũng cần có ý thức tuân thủ, tôn trọng bản quyền. Họ cần tẩy chay những website, trang tin điện tử vi phạm bản quyền để trục lợi.

Trở lại câu chuyện K+ mua được bản quyền, có thể thấy, các nhà cung cấp nước ngoài đang mất niềm tin vào các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, muốn các giải UEFA Champions League, UEFA Europa League, Ngoại hạng Anh ở lại Việt Nam lâu dài, muốn được xem những bộ phim, chương trình truyền hình “bom tấn” mang niềm vui đến cho người xem, bản thân các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số và người xem truyền hình phải thay đổi từ ngay hôm nay, trước hết bằng việc “nói không” với vi phạm bản quyền.

Tin liên quan
Tin khác