Chiến thuật “mua chung”
Đến nay, đã có 37 quốc gia trên thế giới mua được bản quyền phát sóng World Cup 2022, khi giải đấu này chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra. Mới đây, Infront Sports & Media (đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở 26 quốc gia tại khu vực châu Á) đã có cuộc đàm phán với nhóm “liên minh” 5 đối tác Việt Nam về gói bản quyền truyền hình giải lần này.
Theo ông Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Ban Sản xuất các chương trình thể thao (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV), VTV và các đơn vị khác đang thương thảo để mua chung bản quyền phát sóng World Cup 2022 tại Việt Nam. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng.
Mức giá bản quyền truyền hình World Cup 2022 tại Việt Nam được Infront Sports & Media đưa ra là 15 triệu USD (tương đương 350 tỷ đồng). Với mức giá khổng lồ này, đơn vị sở hữu sẽ được quyền truyền hình và radio: độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV), nhưng không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và Internet (bao gồm OTT): độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam...
Trong gói này, các đài được yêu cầu phải phát trên kênh quảng bá một số trận đấu nhất định, như trận khai mạc, bế mạc…, để đạt tối thiểu bao nhiêu phần trăm dân số của nước (đã mua thành công bản quyền) được xem những trận này. Mức giá “chào bán” trên khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngán ngẩm, dù đã tính đến phương án liên minh để mua chung.
“Mức giá này đã tăng khoảng 3 triệu USD so với mức khoảng 12 triệu USD của World Cup 2018. Đây là mức giá quá cao bởi qua 2 năm Covid-19, các nhà đài bị thua lỗ, gần như kiệt quệ, không có đủ tài chính. Nếu mua với giá này, thì việc thu lại bằng khai thác kinh doanh tài trợ, quảng cáo là không thể”, một thành viên nhóm đàm phán chia sẻ.
Đại diện VTV cho biết, tại World Cup 2018, nếu không có sự tài trợ, tiếp sức của Vingroup, Viettel, thì chắc chắn VTV không mua nổi bản quyền truyền hình giải đấu này. Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, giá bản quyền không ngừng tăng lên sau mỗi kỳ World Cup gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị truyền thông tại Việt Nam bởi họ không thể có lãi.
Vì sao doanh nghiệp kêu lỗ?
Các doanh nghiệp trong liên minh nêu trên cho biết, số tiền 15 triệu USD mới chỉ là phí bản quyền phát sóng. Ngoài khoản tiền này, các doanh nghiệp còn phải trả thêm tiền phí truyền dẫn vệ tinh của Qatar, ước tính chiếm khoảng 20% phí bản quyền (khoảng 3 triệu USD).
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất các chương trình kèm theo bản quyền như bình luận trước, trong sau trận đấu; thông tin bên lề World Cup; cử các đoàn phóng viên trực tiếp sang Qatar phản ánh… có thể lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng, tùy vào mức độ đầu tư của nhà đài.
“Với mức giá 15 triệu USD mà đối tác đưa ra, nhà đài phải thu khoảng 10-15 tỷ đồng tiền quảng cáo trong mỗi trận đấu thì mới không bị lỗ. Số tiền này không thể đạt được với các trận đấu ở vòng bảng, vào bán kết hoặc chung kết thì may ra. Nhưng với mức thu trên, gần như người xem cứ bật ti vi là thấy quảng cáo”, lãnh đạo một đài truyền hình lớn chia sẻ.
Các nhà đài cho biết, dù thua lỗ, nhưng họ xác định lãi về thương hiệu, tăng lượng thuê bao, khách hàng trong tương lai. Chưa kể, VTV còn phải thực hiện nhiệm vụ của đài quốc gia. “Dù quyết tâm mua bản quyền phát sóng World Cup 2022, nhưng chúng tôi không mua bằng mọi giá. Nếu ở mức giá quá cao, chúng tôi buộc phải ‘giơ cờ trắng’, rút lui khỏi cuộc chơi này”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Mức giá bản quyền phát sóng World Cup 2022 tại Việt Nam mà nhóm các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận là khoảng 7-8 triệu USD, bằng 50% mức phát giá của Infront Sports & Media.
Cuộc chiến ngã giá bản quyền sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Rất có thể, với chiến thuật “mua chung”, đòi giảm giá như những lần trước, thì đến sát giờ bóng lăn, người xem truyền hình mới biết được mình có được xem World Cup trên sóng của Việt Nam hay không. Trong một phương án xấu nhất, rất có thể, người xem Việt Nam sẽ phải xem World Cup 2022 trên web của FIFA.