Chào giá cạnh tranh
Ngay trước khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương, Chính phủ đã chính thức thông qua kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 9/11/2017.
Dù số cổ phần bán ra trong lần thoái vốn này chưa được chính thức công khai, nhưng điểm hấp dẫn các nhà đầu tư chính là phương thức bán.
Các tên tuổi lớn trong làng bia quốc tế đang ngóng thông tin chi tiết về số cổ phần nhà nước bán tiếp tại Sabeco |
Theo thông cáo của Bộ Công thương, tương tự việc bán tiếp cổ phần nhà nước mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới đây, phương thức chào bán cổ phần tại Sabeco lần này là chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy định tại Quy chế Chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công thương tại Sabeco. Theo đó, mọi tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và theo Quy chế Chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công thương tại Sabeco sẽ đều có cơ hội.
Quyết định này thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm cho hay, các đại gia lớn trong ngành bia và chế biến thực phẩm rất quan tâm tới Sabeco, bởi xét về sản lượng, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, với khoảng 43-45% sản lượng bia tiêu thụ của toàn ngành.
“Việc mua cổ phần của Sabeco sẽ giúp các nhà sản xuất bia có tên tuổi của nước ngoài nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam”, vị này nói.
Sabeco được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, nên việc mua được cổ phần của Sabeco thời gian qua không dễ dàng, nhất là khi Sabeco không thiếu tiền và không thua kém về công nghệ.
Ngược thời gian 4 năm trước, khi tin Sabeco bán tiếp cổ phần và tìm cổ đông chiến lược được nhắc tới, có 5 doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được thành “người nhà” của Sabeco. Đó là Tập đoàn Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản), SAB Miller (Mỹ) và 2 tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán là Công ty Chứng khoán SSI và Ngân hàng Liên Việt.
Nhưng, dù đều là tên tuổi lừng danh trong làng bia thế giới, song các doanh nghiệp trên không có nhiều cơ hội lọt vào “mắt xanh” của Sabeco.
Năm 2016, sản lượng bia của toàn ngành đạt 3,787 tỷ lít.
Trong đó: Sabeco tiêu thụ 1,641 tỷ lít, tăng 7,9% so với năm 2015 và chiếm 43,3% thị phần toàn ngành.
Năm 2015, sản lượng tiêu thụ toàn ngành: 3,4 tỷ lít.
Trong đó: Sabeco chiếm 1,38 tỷ lít; Heineken 729 triệu lít;
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco): 667,8 triệu lít; Carlsberg: 229 triệu lít.
(Nguồn: Bộ Công thương)
Vì việc chọn đối tác chiến lược của Sabeco không nặng về mục tiêu vươn ra thị trường nước ngoài, nên điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược tại Sabeco không dễ cho các công ty bia lớn trên thế giới, nhất là yêu cầu không tạo ra xung đột lợi ích giữa Sabeco và nhà đầu tư, có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Sabeco. Nhà đầu tư chiến lược của Sabeco phải đáp ứng mục tiêu “nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát” tại doanh nghiệp này.
Nếu xét ở các khía cạnh trên, các hãng bia nước ngoài đều không đạt điểm cao vì đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bia cạnh tranh trực tiếp với Sabeco, nên khó sánh đôi lâu dài mà không tạo ra xung đột về lợi ích. Chưa kể, ngoại trừ nhãn hàng Heineken, các nhãn bia ngoại khác có thị phần rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là… lép vế so với Sabeco.
Tại thời điểm đó, ưu thế thuộc về đối tác trong nước, khi họ hoạt động không cùng lĩnh vực, nên không có xung đột về lợi ích, không tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp và có thể đưa ra hỗ trợ nhất định với thương hiệu bia này.
Dẫu vậy, không ít người e ngại rằng, sau khi hết ràng buộc về thời gian không được chuyển nhượng cổ phần với tư cách là cổ đông chiến lược, các nhà đầu tư nội sẽ nhanh chóng sang tay cổ phần nắm giữ tại Sabeco cho các ông lớn nước ngoài, để tối ưu hoá dòng tiền, bởi với lượng vốn bỏ ra quá lớn, lợi nhuận sẽ trở nên “không bõ bèn gì” nếu chỉ trông vào cổ tức.
Bởi vậy, quyết định bán tiếp vốn nhà nước tại Sabeco theo phương thức chào bán cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần ở thời điểm này được xem là giúp giảm bớt những “nhà đầu tư trung gian”, nhóm lợi ích hưởng lợi đột biến từ cơ hội mua được cổ phần Sabeco, để sau đó tạo nên xung đột lợi ích khi Sabeco được chuyển về tay các ông lớn ngành bia thế giới.
Đại gia “vào xới”
Trong đợt thoái vốn của Vinamilk mới đây, để mang lại kết quả tốt, SCIC đã nới rộng nhiều quy định với nhà đầu tư muốn mua cổ phần. SCIC kỳ vọng, lần bán vốn cổ phần nhà nước này của Vinamilk đem lại hiệu quả và tạo nên tiền lệ tốt cho những đợt bán vốn tiếp theo của Vinamilk và hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác.
Kết quả đã không phụ lòng mong đợi của các cơ quan chức năng và SCIC. Công ty Jardine Cycle & Carriage (JC&C ) - thành viên của Tập đoàn Đầu tư đa ngành Jardine Matheson đã trúng giá toàn bộ cổ phần chào bán với mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu, mức giá đặt mua cao nhất trong cuộc đấu giá lần này, cao hơn 24% giá khởi điểm (150.000 đồng).
Với khối lượng 48,3 triệu cổ phiếu bán ra, SCIC đã thu về gần 9.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 660 triệu USD.
Dẫu vậy, quy mô thoái vốn của Sabeco lần này có khác.
Ngày 15/11, khi có thông tin về bán tiếp vốn nhà nước tại Sabeco với phương thức chào bán cạnh tranh, cổ phiếu SAB của Sabeco đã khớp lệnh với giá 270.900 đồng/cổ phiếu, khiến giá trị vốn hóa của Sabeco tương đương khoảng 7,7 tỷ USD.
Nhà nước hiện nắm giữ 89,59% vốn điều lệ của Sabeco. Bộ Công thương trước đây cũng đề nghị thoái vốn chủ sở hữu nhà nước theo lộ trình 2 đợt: đợt I sẽ bán 53,59% vốn điều lệ; đợt II bán 36% vốn điều lệ còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn nhà nước sẽ thoái trong lần này, hay giá khởi điểm vẫn chưa được công bố.
Khi IPO, đã có 5% cổ phần tại Sabeco thuộc về công ty sở hữu nhãn hàng Heineken. Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cũng cho biết, tới thời điểm này, đã có 9% cổ phần của Sabeco nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia nhận xét, nếu muốn có quyền phủ quyết một số vấn đề của doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện hữu sẽ cần mua ít nhất 27% vốn điều lệ nữa. Với nhà đầu tư khác thì phải mua tới 36%. Bởi vậy, việc bán cổ phần trong lần này chắc chắn phải trên 36% vốn điều lệ mới đủ hấp dẫn một nhà đầu tư mới hoàn toàn.
Như vậy, số tiền để sở hữu 27%, hay 36%, thậm chí là 51% vốn điều lệ của Sabeco đều cần khoản đầu tư lên 2 - 3,5 tỷ USD. “Với khoản tiền lớn vậy, cơ hội dường như nghiêng về đại gia nước ngoài”, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) nói.
Theo quy định hiện hành, trên sàn niêm yết, các doanh nghiệp chưa nới room chịu mức tỷ lệ đầu tư tối đa của khối ngoại là 49%. Ông Dũng cho rằng, nếu chọn phương án bán trên 51% vốn điều lệ tại Sabeco trong lần thoái vốn tới đây trong điều kiện chưa nới room, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua tới 100% như với Vinamilk, có thể diễn ra tình huống, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội bắt tay nhau mua cổ phần của Sabeco để không vi phạm quy định nới room mà vẫn có được quyền lợi như họ mong muốn trong doanh nghiệp.
Trong danh sách nhà đầu tư quan tâm tới Sabeco được ông Dũng nhắc tới, có các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về ngành đồ uống và thực phẩm như Heineken (Hà Lan), AB InBev (Mỹ), ThaiBev (Thái Lan), Asahi và Kirin (Nhật). Thậm chí liên kết giữa bia Singha của tỷ phú Thái Lan và Masan (nơi Singha có đầu tư) hay Tập đoàn F&N (Thái Lan) và Vinamilk cũng không đứng ngoài.
Bán sao cho lợi
Các đối tượng đang quan tâm tới cổ phiếu Sabeco có thể phân thành nhóm, là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư nhỏ.
Các nhà đầu tư nhỏ, tuy số lượng đông, nhưng chủ yếu là mua đi bán lại để kiếm lời, nên chỉ thích hợp để thực hiện đấu giá công khai.
Còn các nhà đầu tư tài chính, tuy năng lực và tiềm lực tài chính tốt, nhưng có nhược điểm là không có kinh nghiệm về cải tổ, đổi mới doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nên việc trả giá cao không dễ.
Với đối tác nước ngoài có tên trong làng bia quốc tế đang liên tục xuất hiện, tiếp xúc với các cơ quan hữu trách để bày tỏ mong muốn mua cổ phần tại Sabeco thời gian gần đây, ông Dũng cho rằng, nếu chọn phương án bán luôn lô lớn 53,59% trong lần bán cổ phần tiếp theo này và Nhà nước chỉ còn nắm 36% tại Sabeco, sẽ khó có động lực để nhà đầu tư mua tiếp trong lần thoái nốt vốn tiếp theo, bởi nhà đầu tư đã đạt được mục tiêu đủ quyền chi phối doanh nghiệp.
“’Ngược lại, nếu lần bán tiếp theo này chỉ là 38% và Nhà nước vẫn giữ lại 51,59%, thì trong lần thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco sau đó, cuộc chiến sẽ thực sự khốc liệt để chọn được người sở hữu 51% vốn, nắm quyền quyết định tại Sabeco”, ông Dũng nói.
Vấn đề khác cũng được cho là thách thức với quá trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco, đó là việc SCIC vừa giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần ở 5 doanh nghiệp, gồm Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán VCG), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP); Nhựa Bình Minh (BMP); Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) và FPT, chỉ ít ngày sau khi đã thoái vốn thành công tại Vinamilk.
Điều này cũng cho thấy, thị trường đang liên tục được tiếp các món ăn ngon, chứ không phải chỉ đợi cơ hội tại Sabeco.
Với 5 doanh nghiệp này, SCIC kỳ vọng thu về khoảng 8.000 tỷ đồng, ngoài 9.000 tỷ đồng trước đó tại Vinamilk.
Theo dự báo của các chuyên gia, sau Nghị quyết 118/2017/NQ - CP và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco sẽ được tiến hành rất khẩn trương.
Trước đó kế hoạch roadshow của Sabeco đã được nhắc tới với các địa điểm là TP.HCM, Singapore cùng London. Rất có thể, khi các công việc đã vào guồng, thời gian để bán hết cổ phần này được gói gọn trong 1 tuần.