Hàng khủng
Theo kế hoạch, EVN Genco3 đưa ra 267 triệu cổ phần, tương đương 12,48% vốn điều lệ để chào bán đấu giá với mức khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, chỉ có hơn 7,5 triệu cổ phần được bán với số tiền thu về là hơn 184,4 tỷ đồng.
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, EVN Genco3 sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước tới 49% vốn điều lệ |
Việc bán tiếp 36% vốn điều lệ của EVN Genco3 cho các đối tác chiến lược cũng được cho là không dễ thực hiện trên thực tế khi mà thời gian để chốt nhà đầu tư chiến lược sau IPO chỉ được phép 1 tháng.
Nói về thực tế này, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, phụ trách về Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước cũng cho rằng, quy mô của EVN Genco3 là rất lớn và giá cũng không rẻ.
“Quy mô các doanh nghiệp bán vốn nhà nước ở thời điểm thực hiện cổ phần hoá EVN Genco3 cũng lớn, khiến thị trường hấp thụ không dễ nên bán cổ phần sau có những khó khăn nhất định và đây là khách quan. Thời gian dành cho nhà đầu tư chiến lược sau IPO chỉ có 1 tháng là quá ngắn, nhà đầu tư không có thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý của họ”, ông An nói.
Ngay trước khi EVN Genco3 tiến hành IPO, thị trường vừa mới được bổ sung lượng hàng lớn từ 3 doanh nghiệp dầu khí khác là Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Dầu khí với tổng số tiền bán cổ phần mang về cho nhà nước đạt gần 17.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2018, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 4 nhà đầu tư ngoại tầm cỡ thế giới đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Đông cùng đăng ký muốn mua 36% cổ phần của EVN Genco3 để trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Có kinh nghiệm thực tế trong làm việc với nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần công ty điện, ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cho hay, thời gian để các bộ ngành quyết định đầu tư một nhà máy điện ở Việt Nam cũng mất vài ba năm, thậm chí lâu hơn thì việc chỉ có vài tháng để nhà đầu tư chiến lược quyết định bỏ ra cả cục tiền to để mua cổ phần là không thực tế, nếu không nói là duy ý chí.
“Sau khi DHD được cổ phần hoá vào năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ muốn mua cổ phần của DHD theo tư cách cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược. Có 3 nhà đầu tư lớn, muốn đi cùng DHD lâu dài, họ đã đưa cả đội ngũ rất đông luật sư, tư vấn, các nhà phân tích tài chính tới DHD làm việc nhiều tháng để phân tích doanh nghiệp, trước khi đi đến quyết định muốn mua từ 35 - 49% vốn điều lệ. Ở thời điểm đó, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ là dưới 25% nên mọi chuyện đã không chốt được”, ông Oánh nói và nhận xét, nếu so với quy mô của EVN Genco3, thì DHD là khá bé. Bởi vậy chỉ cho vài tháng sau IPO để đàm phán chốt với cổ đông chiến lược là không hiện thực.
“Mua 36% là con số rất lớn, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ tiền. Chưa kể việc thống kê, kế toán của cấp tổng công ty với hàng loạt nhà máy cũng có nhiều khác biệt, khiến nhà đầu tư phải tốn rất nhiều công sức để xem xét, phân tích chứ không dễ như với 1 một nhà máy”, ông Oánh nhận xét.
Giám đốc một quỹ nước ngoài chia sẻ, sau khi ký cam kết bảo mật thông tin với doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đánh giá doanh nghiệp rất kỹ bởi trên thực tế, giá điện của Việt Nam không quá hấp dẫn. Chưa kể, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án còn có tình trạng đội vốn lên khá nhiều. Do vậy, nhà đầu tư phải tính toán rất cẩn trọng và đòi hỏi nhiều thời gian, có thể là hàng năm trước khi đưa ra quyết định.
Bán cả hay chia nhỏ?
Việc cổ phần hóa toàn bộ các Genco được ví như “bán thịt nạc kèm mỡ” để người mua không chỉ tập trung mua những nhà máy thuận lợi và bỏ lại các nhà máy kém thuận lợi hơn cho nhà nước.
EVN cũng từng thảo luận việc bán cổ phần của các tổng công ty phát điện với một số nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư dự án điện BOT tại Việt Nam. Tuy nhiên, “họ không mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ có quy mô lớn như Genco. Nếu mua cổ phần từng nhà máy, khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ cao hơn, bởi thông tin đầy đủ và sẽ ít rủi ro”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Từ thực tế làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài ông Oánh cũng cho rằng, nhà đầu tư có sự ngại ngần nhất định về mức độ minh bạch quản trị, kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam nên họ nghiên cứu doanh nghiệp rất cẩn thận.
“DHD tuy có 4 nhà máy sản xuất, gồm 13 tổ máy có tổng công suất 642,5MW nhưng đều là thuỷ điện nên việc đánh giá hiệu quả dễ hơn so với đánh giá cả Genco có đủ các loại hình phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí đến thuỷ điện với quy mô rất khác nhau và đặt ở các vị trí khác nhau”, ông Oánh nói và thẳng thắn cho rằng, “mua DHD hay một nhà máy điện bất kỳ dù có thể hiệu quả chưa cao nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn lòng bỏ tiền vào vì “dễ nhìn, dễ thấy” so với mua kiểu “ngô, thóc, đậu được trộn lẫn lộn”, dù kỳ vọng đấy nhưng tính hiệu quả không dễ. Chưa kể câu chuyện giá điện chưa dự báo được lộ trình rõ ràng”.
Sau thực tế IPO EVN Genco3, ông An cũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cũng phải có tiềm lực lớn chứ tiềm lực nhỏ sẽ không đủ sức. Còn nhà đầu tư trong nước chỉ có thể bỏ ra đôi ba nghìn tỷ đồng nên sẽ thích mua từng doanh nghiệp hơn ngắm nghía cả Tổng công ty.
Dẫu vậy sau EVN Genco3, hiện EVN đang chuẩn bị cổ phần hoá tiếp EVN Genco1 và EVN Genco2 cũng với cách thực hiện bán cả Tổng công ty.
Chạy đua cùng thời gian
Theo kế hoạch trong năm 2018, việc cổ phần hoá EVN Genco1 và EVN Genco2 sẽ được triển khai. Tuy nhiên ở thời điểm này, bao giờ hai Genco này sẽ tiến hành bán cổ phần lại không dễ có câu trả lời.
Theo các chuyên gia, EVN Genco 1 và EVN Genco2 cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang triển khai cổ phần hoá gặp một số khó khăn do thay đổi các quy định liên quan đến cổ phần hoá và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định 126/2017/NĐ - CP, Thông tư 41/2018/TT - BTC, Nghị định 32/2018/NĐ - CP...
Cụ thể, Nghị định 126 không có quy định về chuyển tiếp nên doanh nghiệp nào chưa kịp phê duyệt phương án về cổ phần hoá sẽ phải làm lại từ đầu. Đáng nói trong phương án cổ phần hoá làm lại, phần liên quan tới sử dụng đất sau cổ phần hoá sẽ không giống yêu cầu của Nghị định 59/2011/NĐ-CP trước đó.
Theo yêu cầu mới, các diện tích đất doanh nghiệp đang sử dụng sẽ phải có phương án sử dụng và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Như vậy, với các doanh nghiệp có nhiều cơ sở tại nhiều địa phương như các Genco sẽ phải trình nhiều địa phương, nhiều cơ quan chức năng liên quan xem xét.
“Đây là điểm mới nhằm tránh chuyện cổ phần hoá xong doanh nghiệp, nhà đầu tư mang “đất vàng” đi xây khách sạn, gây thất thoát như trước đây đã xẩy ra. Tuy nhiên trên thực tế, đã liên quan tới đất, dù là đang sử dụng ổn định thì việc nhận được thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương không phải lúc nào cũng nhanh theo quy định. Nếu đất có vướng tranh chấp nữa thì chưa biết bao giờ mới phê duyệt. Các đơn vị có cơ sở tại nhiều địa phương như các Genco nếu không có đủ phương án đất được địa phương phê duyệt thì khó mà có được quyết định cổ phần hoá”, một chuyên gia am hiểu về cổ phần hóa nhận xét.
Vị này cũng cho hay, Chính phủ có gỡ bằng cách cho doanh nghiệp cứ đưa ra cáo bạch, có thể nợ vài điểm nhưng đó không phải là cách bền vững, bởi về nguyên tắc phải có đủ các thoả thuận. Chưa kể các nhà đầu tư lớn thấy chưa có đủ thoả thuận đất theo quy định sẽ không tự tin mua bởi lo tranh chấp sau này.
Liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, trong các quy định mới cũng bổ sung thêm giá trị văn hoá doanh nghiệp, giá trị lịch sử doanh nghiệp bên cạnh các tài sản hữu hình, vô hình, quyền sử dụng đất…. Tuy nhiên, định giá nào cho yếu tố văn hoá, tâm linh, lịch sử của doanh nghiệp lại là chuyện đánh đố với doanh nghiệp lẫn tư vấn bởi Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn.
Một điểm khác nữa là quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia thẩm định sau khi tư vấn đã xác định giá trị doanh nghiệp. Với doanh nghiệp có vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị trên 1.800 tỷ đồng đã cần bước thẩm định này, trong khi quy định trước đây là trên 5.000 tỷ đồng.
“Những điểm mới đó có thể làm chậm tiến trình cổ phần hoá. Chưa kể khi qua Kiểm toán Nhà nước, giá trị doanh nghiệp thường bị tăng lên, khiến nhà đầu tư e ngại tăng thêm gánh nặng sau cổ phần hoá. Nhà đầu tư cũng có các phân tích độc lập của họ chứ không phải là gà mờ. Nên nếu khác biệt lớn, chuyện cổ phần hoá không dễ đẩy nhanh”, chuyên gia này nói.
Cũng từ thực tế hiện nay, nhiều ý kiến đã e ngại, việc IPO của EVN Genco1 và EVN Genco2 sẽ không thuận lợi hơn EVN Genco3, trừ phi thị trường rất đói hàng.
Được biết, do Nghị định 126 không quy định nội dung chuyển tiếp đối với những trường hợp tương tự như EVN Genco1 khi đã lựa chọn xong Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, Tư vấn lập phương án cổ phần hoá, đã có Quyết định cổ phần hóa trước khi phương án sử dụng đất được phê duyệt, nên để tuân thủ các điểm mới của Nghị định 126, Quyết định cổ phần hoá EVN Genco1 sẽ có sau khi phương án sử dụng đất của EVN Genco1 được phê duyệt. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hiện cũng được dự kiến là 0h ngày 1/1/2019.
Tại EVN Genco2, ngoài việc thời điểm Kiểm toán Nhà nước có kết luận diễn ra sau khi Nghị định 126 thay thế Nghị định 59 có hiệu lực, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cũng sẽ được dời sang ngày 1/1/2018 thay vì 1/1/2017 như trước đây.
Vào đầu tháng 6/2018, Bộ Công thương cũng ban hành nhiều quyết định phê duyệt các phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá công ty mẹ - EVN Genco2 và hiện giờ Bộ Công thương còn phải ban hành lại Quyết định cổ phần hóa EVN Genco2 thay thế Quyết định 1125/QĐ-BCT ngày 24/3/2016 về cổ phần hóa Công ty mẹ - EVN Genco2.
Ngoài các yếu tố về quy định, thể chế, giá điện cũng là một nguyên nhân không nhỏ hấp dẫn các nhà đầu tư khi bỏ tiền vào ngành điện.
“Mặc dù hiện nay khâu phát điện đã được quy định lợi nhuận định mức là 10,74% thì cũng mới gỡ cho các nhà máy ở khâu này, còn lại các khâu phân phối, truyền tải vẫn chưa có quy định rõ ràng và đang phụ thuộc vào EVN”, ông An nhận xét.
“Giá điện cũng cần minh bạch khi các yếu tố tính toán giá, hợp đồng mua bán điện cần có tiêu chí rõ ràng để tránh sự thay đổi bất ngờ sau vài năm. Thời hạn hợp đồng phải đủ dài bởi điện là đầu tư dài hạn, không phải ăn xổi, đầu tư tài chính đơn thuần”, cũng là kiến nghị của ông Oánh.
Thực tế này cho thấy vẫn còn những vướng mắc rất cần tháo gỡ để nhà đầu tư lớn mặn mà sánh vai cùng cổ phiếu điện.