Hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài hướng vào tăng trưởng xanh
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa chính thức công bố Báo cáo thường niên FDI 2023. Đây là lần thứ ba, Báo cáo thường niên FDI được công bố.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với các báo cáo về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo thường niên năm 2023 do VAFIE xây dựng và công bố sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VAFIE, Tổ trưởng Tổ biên tập, nói.
Tiếp tục đóng vai trò Chủ biên, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, năm nay, Tổ biên tập quyết định chọn chủ đề của Báo cáo là “Trước thách thức và cơ hội mới - Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn”.
Báo cáo thường niên FDI 2023 chính thức được công bố |
“Thách thức và cơ hội luôn song hành, nếu biết cách thì thách thức có thể biến thành cơ hội, còn cơ hội nếu không biết tận dụng sẽ trở thành thách thức”, GS. Nguyễn Mại nói và cho biết, Báo cáo năm nay ra đời trong bối cảnh nhiều nước phát triển thực hiện chính sách sàng lọc, hạn chế FDI vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia, khuyến khích chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước, về quốc gia lân cận hoặc sang nước thứ ba.
Hơn thế, các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo, bảo đảm quyền lợi của người lao động về tiền lương tương ứng với năng suất lao động của mỗi người, không sử dụng lao động trẻ em, không cưỡng bức lao động, có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng dân cư, giảm thiểu khí phát thải nhà kính, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu không tăng nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C vào năm 2050.
Đó chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam lựa chọn và thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Một điểm đáng chú ý được nhấn mạnh trong Báo cáo, đó là dòng vốn FDI toàn cầu sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023, đạt mức 1.370 tỷ USD.
“FDI vào các nước đang phát triển tăng nhẹ, đáng lưu ý là FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Trên thị trường vốn toàn cầu, tài chính xanh tăng trưởng mạnh, trái phiếu bền vững tăng 5 lần trong 5 năm từ 2018 - 2023”, GS. Nguyễn Mại cho biết.
Tại Việt Nam, một con số cũng đáng ghi nhận, đó là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh.
Các thông tin khác được Báo cáo nhấn mạnh, đó là năm 2023 vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD.
Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.
Một thông tin đáng chú ý, là lần đầu tiên, Tổ biên tập đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Jetro, Kotra, Amcham và Eurocham, Hiệp hội Điện tử, Hiệp hội Dệt may... để có được những kiến đánh giá khách quan về môi trường đầu tư Việt Nam, về thành quả, vấn đề, cơ hội và thách thức đối với nước ta trong quá trình thu hút FDI chất lượng cao.
Theo đó, các hiệp hội bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn, tận dụng Trụ cột 2 để tiến hành đánh giá toàn diện các ưu đãi thuế hiện hành, có giải pháp thiết thực và hiệu quả để khuyến khích đầu tư vào những dự án trọng điểm và cần khuyến khích…
4 giải pháp để thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam về thu hút FDI trong bối cảnh mới, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường quán triệt và kịp thời hành động để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, cần đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI một cách chọn lọc, không những coi trọng quy mô mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả.
“Phải chủ động thu hút, hợp tác FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, GS. Nguyễn Mại bày tỏ và nhấn mạnh việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của tương lai.
Định hướng như vậy, nhưng vấn đề của Việt Nam chính là chưa có thể chế, chính sách, cơ chế tương xứng… Thậm chí, môi trường đầu tư, các vấn đề về thủ tục hành chính cũng còn nhiều vấn đề.
GS-TSKH. Nguyễn Mại đề xuất 4 giải pháp để thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn |
Chính vì vậy, để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, GS. Nguyễn Mại đã nhấn mạnh 4 giải pháp.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ hai, là nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp…; hoàn thành việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước…
Thứ 3, là hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng năng lượng sạch đáp ứng đòi hỏi của mục tiêu Net Zero. Đi cùng với đó là đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tất nhiên, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội cũng là ưu tiên hàng đầu.
Và cuối cùng là thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia. Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm công bằng và liêm chính…