Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếng nói cộng hưởng từ báo chí |
Liên minh
Sau lời bế mạc Hội thảo Báo cáo điều kiện kinh doanh năm 2017 (diễn ra vào cuối tuần trước), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đi xuống cuối phòng. Nhóm phóng viên đang đợi ông ở đó. Cuộc trò chuyện rôm rả hơn những gì vừa diễn ra.
Ông Cung và nhóm nghiên cứu về điều kiện kinh doanh của CIEM rất muốn làm nóng lại “cuộc chiến” với muôn mặt giấy phép - những điều kiện kinh doanh “trá hình” đang có dấu hiệu trở lại, bó buộc sức sáng tạo của người kinh doanh.
Nhưng, như ông thừa nhận, số người hưởng lợi từ việc “sản xuất” giấy phép thì nhiều, trong khi người giám sát quy trình này một cách thực chất ngày càng ít đi. Ngay trong giới kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã có chìa khóa mở cửa thị trường nhiều khi có xu hướng muốn thêm điều kiện để hạn chế đối thủ cạnh tranh…
Tại buổi hội thảo hôm đó, đã có lời cám ơn từ một hiệp hội về ngành nghề kinh doanh của họ có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Những tác động bất lợi mà doanh nghiệp phải gánh khi tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, như tính rủi ro cao, chi phí cao, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo, hạn chế phát triển chuỗi kinh doanh, bất lợi lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất ít được nhắc tới.
Hơn 1 tuần trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có một cuộc “làm nóng” tương tự khi đưa ra kết quả rà soát một số điều kiện trong ngành công thương, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ, nhưng tác động tới các cơ quan có trách nhiệm cũng như mối quan tâm của cộng đồng kinh doanh chưa thực sự mạnh mẽ.
“Lợi ích tản mạn như vậy nên rất khó có một liên minh đối trọng với tư duy “xin-cho” trong quản lý nhà nước. Nền kinh tế sẽ bị thiệt hại dài hạn nếu không chấm dứt được tư duy này. Chúng tôi cần tiếng nói từ báo chí”, ông Cung chia sẻ tâm tư.
Vai khó
3 tháng trước, những người tham dự Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí tại VCCI đã lặng người khi nghe tổng kết gần 1 năm thực hiện văn bản này của ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tùng (Hà Giang).
“Tháng 5/2016, trước khi Nghị định 19/2016/NĐ-CP có hiệu lực, chúng tôi tập hợp được 43 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có ý kiến đề nghị sửa đổi nghị này. Hiện giờ, chỉ còn 30 doanh nghiệp có thể đến đây để góp ý vào dự thảo sửa đổi. Nếu nghị định chậm sửa đổi, có thể cũng không còn đủ 30 doanh nghiệp cho cuộc hội thảo tiếp sau”, ông Tùng nói.
Những doanh nghiệp không xuất hiện nữa, bởi họ không đủ hàng trăm triệu đồng để đầu tư thêm bình gas, kho chứa, đảm bảo các điều kiện kinh doanh mà Nghị định 19/2016/NĐ-CP đưa ra. Nhưng còn một vế nữa ông Tùng và các doanh nghiệp chưa tính tới, đó là nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP được ban hành như họ mong muốn, đó là bãi bỏ hàng loạt điều kiện về cơ sở vật chất, sẽ có nhiều doanh nghiệp “đau tim”. Chỉ trong vòng khoảng 1 năm, họ đã mất đi những khoản đầu tư lớn, nhưng không tạo nên bất cứ giá trị nào cho chính doanh nghiệp và khách hàng của mình… bởi những thay đổi chính sách.
Còn biết bao nhiêu doanh nghiệp đã buộc phải ra khỏi thương trường vì rủi ro chính sách chứ không phải năng lực cạnh tranh tự thân.
Các bài báo ra đời sau cuộc hội thảo trên đã thúc đẩy thêm “những người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như ông Cung và nhóm nghiên cứu của CIEM vào cuộc chiến khó khăn.
“Chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá từng nhóm điều kiện kinh doanh theo từng ngành, lĩnh vực. Khoảng 3 đến 6 tháng 1 lần, các kết quả khảo sát sẽ được công bố”, ông Cung nói.
Hiện tại, theo thống kê mới nhất của CIEM, đang có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh của 17 ngành. Trong số này, ngành công thương đang đứng đầu với khoảng 700 điều kiện kinh doanh các loại, chiếm 20,55%. Đứng thứ hai là ngành tài chính, với 490 điều kiện kinh doanh.
“Chúng tôi đã nghiên cứu thông lệ các nước, thấy rằng cách duy nhất làm tốt việc này là mọi người phải vì lợi ích chung của nền kinh tế. Tôi tin, báo chí sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn”, ông Cung tin tưởng nói với báo chí.
Gửi gắm từ doanh nghiệp
Cuộc gặp mặt giữa doanh nhân và nhà báo do VCCI tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2017 chất chứa nhiều tâm tư từ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam dành nhiều thời gian để trải lòng. Với ông, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm thủ tục hành chính là rất cần, nhưng chưa đủ. Doanh nghiệp không thể đắm đuối mãi vào những kiến nghị gỡ rào cản thủ tục hay đề xuất cải thiện cách thức làm việc giữa công chức và doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp rất nền tảng cơ chế, pháp lý vững chắc để các khát vọng kinh doanh, nhu cầu sáng tạo có cơ hội được thực hiện. Mong báo chí “tò mò hơn” với những sáng kiến từ doanh nghiệp, để chặng đường sáng tạo của doanh nghiệp bớt lẻ loi”, ông Dũng nói.
Lúc này, giới kinh doanh dồn mọi trông đợi vào những cơ chế hiện thực hóa các chủ trương, đường lối thuận cho sự phát triển, lớn mạnh của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong 3 nghị quyết về kinh tế vừa được Hội nghị Trung ương 5, khóa XII ban hành; trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua. Họ tin sẽ có những thay đổi mang tính nền tảng.
Nhưng, con đường phía trước của doanh nghiệp còn rất gian nan. Theo khảo sát của VCCI năm vừa qua, còn tới 60% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Khoảng cách từ chính sách tới thực thi còn lớn.
“Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếng nói cộng hưởng từ báo chí. Điều này sẽ tạo nên áp lực đổi mới rất lớn cho các cơ quan thực thi”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI gửi gắm.
Nhưng, điều này cũng có nghĩa, báo chí sẽ phải đi con đường khó khăn hơn…