Phóng viên không chỉ phản ánh thông tin tiêu cực, mà cần hướng đến cân bằng giữa thông tin tiêu cực và tích cực |
Từ “xa lộ” thông tin xấu, độc…
Trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, những luồng thông tin xấu, độc (chưa được kiểm chứng) có nhiều cơ hội “sinh sôi” đến mức tràn ngập. Điều đáng lo ngại là, so với những thông tin mang năng lượng tích cực, thì những thông tin mang năng lượng tiêu cực có xu thế “chiếm lĩnh thị trường” mạng xã hội. Chỉ cần thao tác share từ một admin nào đó, những luồng thông tin này ngay lập tức lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Tuy nhiên, một thực tế hiện hữu là không phải đối tượng nào cũng tỉnh táo trước bài viết, video clip, hình ảnh xấu, độc đó, mà điều này còn phụ thuộc vào trình độ dân trí, độ tuổi… Và thực tế là, không ít đối tượng đã bị những luồng thông tin tiêu cực này nhồi nhét vào tâm trí, lưu lại trạng thái cảm xúc tiêu cực trong một khoảng thời gian nào đó.
Bà Mahima Didwania, nhà tâm lý học lâm sàng tại Phòng khám The Other của Singapore, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân bị chấn thương tâm lý trong hơn 10 năm nay, có một phân tích khá thú vị. Đó là khi nghe hoặc đọc về những tin tức tiêu cực trong các bản tin thời sự hàng ngày, nhiều người sẽ hình dung, liên tưởng như thể nó xảy ra với người quen hoặc với chính mình.
Theo bà Didwania, đây là điều phổ biến và hoàn toàn bình thường, nhưng bà cũng nhận thấy: “Mặc dù một số tình huống tiêu cực không trực tiếp xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta sẽ vẫn bị ám ảnh bởi sự gắn kết giữa con người với nhau mạnh hơn chúng ta tưởng”.
Bà Didwania mô tả, đó là “chấn thương gián tiếp” về tinh thần, trong đó, chúng ta có cảm xúc sợ hãi, đau buồn và giận dữ khi xem những tin tức như đại dịch, xả súng, lạm phát, thiên tai, xung đột, giao tranh xảy ra trên thế giới. Ảnh hưởng của chấn thương gián tiếp rất lớn và phải được xem xét nghiêm túc. “Mặc dù bạn không phải là nạn nhân trực tiếp, nhưng sức khỏe tinh thần của bạn vẫn bị ảnh hưởng”, bà Didwania chia sẻ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc đọc tin tức tiêu cực có thể kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, khiến cơ thể bạn giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Theo thời gian, những phản ứng này sẽ gây tổn hại đến thể chất và tinh thần. Một số triệu chứng phổ biến nhất là khó ngủ, mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm.
“Tiếp nhận nhiều tin tức tiêu cực sẽ khiến cảm giác lo lắng gia tăng, đặc biệt là sau khi xem các video hoặc hình ảnh đau buồn liên quan đến sự kiện đau thương. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể gặp ác mộng hoặc bị ám ảnh không dứt về những gì mình đã chứng kiến”, bà Didwania nói và cho hay, một số người nhận thấy mình trở nên dễ tức giận, cáu kỉnh, hoặc muốn khóc vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Trong khi đó, theo nhà tâm lý học tư vấn Padma Jairam, những người theo “giả thuyết thế giới công bằng” cho rằng, thế giới này là công bằng, những điều tốt đẹp đến với những người tốt và những điều xấu chỉ xảy ra với những người bị coi là xấu. “Vì vậy, nhiều người cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng khi chứng kiến những người vô tội bị giết hoặc bị áp bức và thế giới trở nên u ám”, Jairam chia sẻ.
Những phân tích của các nhà tâm lý học trên thế giới cho thấy, việc cập nhật những tin tức và sức khỏe tinh thần của độc giả đang “gặp nhau” hằng ngày. Họ đã đưa ra nhiều tư vấn giúp độc giả “làm chủ cảm xúc”, “cân bằng tâm trạng”.
Nhà tâm lý học lâm sàng Didwania chia sẻ, độc giả không cần kìm nén cảm xúc của mình khi đọc những tin tức tiêu cực. “Cảm thấy đau buồn, tức giận và buồn bã trước những điều tồi tệ xảy ra trên thế giới là một phản ứng cảm xúc bình thường. Đó là dấu hiệu cho thấy, bạn là người có sự đồng cảm sâu sắc”, bà Didwania nói.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý tư vấn Jairam, cập nhật thông tin không có nghĩa là liên tục đọc tin tức suốt ngày đêm. Có quá nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông. Nếu không tự kiềm chế bản thân, bạn sẽ tiếp tục đọc và đọc tin tức cho đến khi cảm thấy quá stress.
Chuyên gia Jairam lưu ý tầm quan trọng của việc thiết lập các ranh giới lành mạnh và sẵn sàng từ chối những nguồn chia sẻ bừa bãi các hình ảnh và video đau buồn một cách không cần thiết. Nên đọc các loại tin khác nhau về một vấn đề, ngay cả trong những thời điểm tồi tệ cũng vẫn có những khoảnh khắc hy vọng.
Chẳng hạn, trong các cuộc xung đột, các tổ chức quốc tế và các nước nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình; hỗ trợ, chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột. “Những khoảnh khắc này có thể không giải quyết được cốt lõi của vấn đề, nhưng nó nhắc nhở chúng ta về những hành động tốt của mọi người và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về những điều tốt đẹp”, Jairam chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nếu bạn thấy mình bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một tin tức không tốt, chắc chắn nhiều người khác cũng cảm thấy như vậy. Hãy nói chuyện và chia sẻ với những người có cùng quan điểm về vấn đề đó. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, chỉ hữu hiệu khi giải quyết trạng thái tâm lý nặng nề trong thời gian ngắn.
...đến báo chí giải pháp
Báo chí - với sứ mệnh là cơ quan định hướng dư luận, không thể “im lặng” trước những luồng thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội, mà nhanh chóng tìm cách “nắn chỉnh” những luồng thông tin đó để giải tỏa “cơn khát sự thật” mà bạn đọc đang chờ, để rồi sau đó, những thông tin đã được báo chí kiểm chứng tiếp tục “phát hành” qua các kênh mạng xã hội. Đó là mối quan hệ tương hỗ, không thể tách rời.
Nhưng nếu báo chí chỉ dừng lại ở mức đưa thông tin tiêu cực (dù được xác minh, kiểm chứng), ít chú trọng đến kiến tạo giải pháp và lối mở cho những thông tin tiêu cực đó, thì vẫn chưa tiếp cận được “mỏ vàng” của xu thế báo chí hiện đại.
Tại Việt Nam, vấn đề báo chí kiến tạo (hay còn gọi là báo chí giải pháp) từng được nêu ra, mổ xẻ. Cuối năm 2022, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Báo chí kiến tạo”, với sự tham gia của đại diện cơ quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí.
Có ý kiến nhận định, nhiều tờ báo đang tập trung phản ánh thông tin tiêu cực, là “phiên bản lỗi” của mạng xã hội, ảnh hưởng xấu tới độc giả. Theo các chuyên gia, bên cạnh thông tin tích cực, báo chí vẫn phải đưa thông tin phê phán cái xấu, nhưng điều này phải hướng tới xây dựng, kiến tạo những điều tốt đẹp trong xã hội.
Nhìn ở góc độ báo chí và doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những năm qua, báo chí đóng góp tích cực trong các chương trình cải cách, trong đó có cải cách môi trường kinh doanh. Báo chí rất bền bỉ trong quá trình này, nhiều cải cách không thể thực hiện được nếu không có báo chí. Điều này là vì lợi ích chung, chia sẻ giá trị và mong muốn xã hội tích cực hơn. Đấy là đóng góp cực kỳ quan trọng của các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng trăn trở, gần đây, trước khi nhận định vấn đề gì đó, các chuyên gia thường nói “nếu như thông tin báo chí đăng tải là chính xác”, cho thấy thực tế đâu đó thông tin báo chí đăng tải chưa chính xác, chuẩn mực. Cũng có thông tin vô thưởng, vô phạt nhưng tạo ra hệ quả thật nghiêm trọng, một bài báo có thể gây bất lợi cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, có thể đẩy doanh nghiệp đến phá sản… Bên cạnh việc đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, báo chí cũng có thể làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro và đắt đỏ hơn…
“Cá nhân tôi luôn mong rằng, doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau. Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí, tôi mong ước có những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà doanh nghiệp chung tay đóng góp”, ông Tuấn chia sẻ.
PGS-TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, tin tức tiêu cực luôn thu hút công chúng, bởi họ quan tâm đến sự an toàn của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng khung tiêu chí rõ ràng thế nào là tin tức báo chí tích cực và tin tức báo chí tiêu cực, dựa trên chức năng giám sát và phản biện của báo chí.
Theo bà Hằng, nhiều doanh nghiệp, cơ quan không hài lòng về báo chí, coi báo chí là rủi ro vì báo chí có chức năng giám sát, phản biện xã hội. Nhưng tính tích cực, xây dựng và đưa ra được giải pháp khi giám sát và phản biện xã hội là quan trọng.
Số liệu đo quét về thông tin báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, chỉ số lan tỏa thường thiên về bài tiêu cực, được chia sẻ nhiều nhất, dẫn lại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những bài liên quan báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo là câu chuyện mà xã hội cần, vẫn thu hút độc giả.
Chẳng hạn, trong giai đoạn Covid-19, ban đầu báo chí phản ánh thông tin dịch bệnh, sau đó hướng dẫn cho người dân phòng chống dịch bệnh và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn sau Covid-19…
Điều mà những người làm báo luôn trăn trở là làm thế nào không “bỏ lửng” những thông tin tiêu cực, mà phải tìm cách “truyền” cho nó một luồng năng lượng tích cực, để vượt lên nỗi ám ảnh tin tức tiêu cực, để thấy rằng, “trong vũng lầy vẫn có một bông hoa bé nhỏ đang nở”. Với sứ mệnh là tờ báo kinh tế, Báo Đầu tư đang nỗ lực xây dựng môi trường làm báo kiến tạo như thế, dù biết rằng chặng đường này không hề dễ dàng.