Thời sự
Báo chí góp động lực tái cơ cấu kinh tế
Cao Viết Sinh - 21/06/2013 06:48
Sau một thời gian dài chuẩn bị, trung tuần tháng 2 vừa qua, Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TIN LIÊN QUAN

Để có được Đề án có tính chất bản lề này, bên cạnh nỗ lực của cơ quan soạn thảo, sự chung tay đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, các cơ quan truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các cơ quan báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án), như Báo Đầu tư, Báo Đấu thầu, Tạp chí Khu kinh tế và các báo, tạp chí chuyên ngành khác từ Trung ương đến địa phương đã tạo ra được một diễn đàn lớn thu hút ý kiến sâu rộng của mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu, hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, trong đó có Đề án tái cơ cấu đầu tư công.

Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, song tất cả đều xuất phát từ mục tiêu chung vì sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Với vai trò của mình, các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đã mang đến những tiếng nói khách quan, công tâm, góp phần phân tích, phản biện nhằm hoàn thiện Đề án, qua đó góp phần tạo sự chuyển dịch tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp.

Thông qua các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông, đã tạo ra động lực có tính lan tỏa giúp toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội có sự đồng thuận cao, huy động tất cả các cấp, các ngành chung tay thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn của mình, các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông cũng tạo ra áp lực đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên cả 3 khâu đột phá là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng.

Lấy ví dụ như đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, tự thân các doanh nghiệp với sự trì trệ cố hữu sẽ khó có thể thay đổi để tái cơ cấu nếu thiếu áp lực từ nhiều phía, trong đó đặc biệt là từ thị trường và người dân. Áp lực này một phần sẽ được tạo dựng thông qua các cơ quan truyền thông. Chính các cơ quan truyền thông sẽ là phương tiện để dư luận đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty phải công khai và minh bạch hóa thông tin của mình. Từ những thông tin minh bạch đó, người dân, toàn xã hội sẽ giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Việc giám sát chính là một áp lực, một động lực để buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu.

Hiện nay, nhiều ý kiến e ngại lợi ích nhóm sẽ là cản trở lớn của quá trình tái cấu trúc, song nếu có sự ủng hộ và giám sát của cộng đồng xã hội, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, sẽ không còn chỗ cho lợi ích nhóm và nhất định công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta sẽ thành công.

(*) Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin liên quan
Tin khác